+
Aa
-
like
comment

“Viên kẹo độc” và sự cố chấp của Triều Tiên

Tuệ Ngô - 23/02/2023 16:36

Mới đây, hãng Aljazeera dẫn nguồn tin từ truyền thông Triều Tiên cho biết quốc gia này đang kêu gọi tự lực về kinh tế trong bối cảnh có nhiều báo cáo về tình trạng thiếu lương thực, cho rằng dựa vào viện trợ bên ngoài để đối phó với tình hình lương thực sẽ giống như ăn “kẹo độc”.

Bé trai Triều Tiên cầm thuổng trên cánh đồng ngô ở khu vực bị thiệt hại do lũ lụt và bão ở trang trại tập thể Soksa-Ri ở tỉnh Nam Hwanghae

Bài bình luận đăng trên tờ Rodong Sinmun ngày 22/2, được đưa ra vài ngày sau khi Hàn Quốc tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên “dường như đã xấu đi”. Tháng trước, tổ chức cố vấn 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng Triều Tiên, vốn đang quay cuồng với lũ lụt và bão cũng như các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với chương trình hạt nhân của nước này, đang “trên bờ vực của nạn đói”.

Tuy nhiên, trong bài bình luận hôm 22/2, tờ Rodong Sinmun cảnh báo không nên nhận viện trợ kinh tế từ “những kẻ đế quốc”, những kẻ mà theo tờ báo này, sử dụng viện trợ như một “cái bẫy để cướp bóc và khuất phục” các nước nhận viện trợ và can thiệp vào chính trị nội bộ của họ.

“Thật sai lầm khi cố gắng thúc đẩy nền kinh tế bằng cách chấp nhận và ăn loại kẹo nhiễm độc này,” tờ báo này viết.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), từng giúp đỡ Triều Tiên trong quá khứ, không bình luận về các báo cáo thiếu hụt lương thực gần đây.

Triều Tiên trong những thập kỷ gần đây đã phải hứng chịu tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, bao gồm cả nạn đói vào những năm 1990 và thường là hậu quả của thiên tai. Các chuyên gia cho biết tình trạng thiếu lương thực hiện nay, do thu hoạch kém trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đã trở nên trầm trọng hơn do phong tỏa và thương mại với Trung Quốc giảm mạnh do đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19.

Triều Tiên đã bị thiếu lương thực trong những năm gần đây và Trung Quốc vẫn là một trong số ít nguồn hỗ trợ lương thực từ bên ngoài.

Hầu hết các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ phương Tây đã rời Triều Tiên sau đại dịch. Trung Quốc hiện là một trong số ít nguồn hỗ trợ lương thực bên ngoài của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se trước đó cho biết Bình Nhưỡng đã yêu cầu WFP cung cấp hỗ trợ nhưng không có tiến triển nào do sự khác biệt về các vấn đề giám sát.

Bộ Thống nhất cũng cho biết Bình Nhưỡng đã thừa nhận một cách rõ ràng tình hình lương thực ngày càng tồi tệ ở nước này bằng cách kêu gọi một cuộc họp “khẩn cấp” của Đảng Lao động cầm quyền về nông nghiệp trong tháng này. Bộ cho biết rất hiếm khi Triều Tiên tổ chức một cuộc họp đặc biệt như vậy, trong khi Triều Tiên cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc họp toàn thể vào cuối tháng này để chỉ thảo luận về vấn đề lương thực, điều mà các nhà quan sát cho là vấn đề cấp thiết của “quốc gia bí ẩn” này.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin khoảng 700 tù nhân tại ba nhà tù nông thôn của Triều Tiên, bao gồm cả ở thành phố miền trung Kaechon, đã chết vì đói và bệnh tật trong hai năm qua, trích dẫn một nguồn tin giấu tên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều, từ chối bình luận về thông tin của Yonhap. Song bộ này nhận định số người chết vì đói ở một số tỉnh của Triều Tiên có thể đã tăng lên gần đây.

“Sản xuất lương thực giảm so với năm ngoái và có khả năng xảy ra các vấn đề về phân phối, do thay đổi trong chính sách cung cấp và phân phối lương thực của họ”, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói với các phóng viên.

Ngoài ra, tờ Dong-a Ilbo tuần trước cũng đưa tin rằng Triều Tiên đã cắt giảm khẩu phần lương thực hàng ngày cho binh lính lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Còn tổ chức tư vấn 38 North thì lại cho rằng tình trạng mất an ninh lương thực ở Triều Tiên đang ở mức “tồi tệ nhất kể từ nạn đói những năm 1990”.

Tổ chức này nhấn mạnh rằng sự sẵn có của lương thực có thể đã giảm xuống dưới mức tối thiểu liên quan đến nhu cầu của con người, đồng thời cho biết thêm rằng đất nước đang “đối phó với tình trạng khẩn cấp nhân đạo phức tạp với vấn đề mất an ninh lương thực là cốt lõi”.

Vào năm 2022, Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng 10,7 triệu người – hay hơn 40% dân số Bắc Triều Tiên – bị suy dinh dưỡng và cần hỗ trợ nhân đạo. Các chuyên gia cho biết con số này có thể đã tăng lên trong năm ngoái, với các thảm họa liên quan đến khí hậu như hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt làm giảm sản lượng nông nghiệp.

Việc đóng cửa biên giới và quyết định đóng cửa của Triều Tiên sau đại dịch Covid-19 được cho là cũng ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Bất chấp những lo ngại về an ninh lương thực, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự trong những tuần và tháng gần đây, bao gồm một số vụ thử tên lửa. Trong đó là hai tên lửa đạn đạo được bắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông vào 20/2, khi em gái của Kim Jong Un cảnh báo về việc “sử dụng Thái Bình Dương làm tầm bắn của chúng tôi”.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều