+
Aa
-
like
comment

Việc xử lý “Tổ đồng thuận” còn thiếu quyết đoán khiến sự việc kéo dài

Hải Anh - 14/09/2020 17:43

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Tâm đã dần khép lại, những kẻ gây ra tội ác sẽ phải trả giá, đền tội thích đáng trước pháp luật. Và trong vụ việc này, có một sự thật mà chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng về sự thiếu sót của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã phạm phải, từ đó tạo ra khe hở cho những kẻ chống phá, thù địch mượn cớ để xuyên tạc, bịa đặt về bản chất vụ án nhằm chống phá nhà nước. 

Đầu tiên, thiếu sót của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đó là công tác quản lý đất quốc phòng bị buông lỏng, còn sơ hở khiến cho một số hộ dân lấn chiếm. Theo Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình, Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, cắm mốc giới bê tông cốt thép, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý đất sân bay với mốc giới, tọa độ theo quy chuẩn.

Thông báo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng. Ngày 19-7-2017, Thanh tra thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận số 2346/KL-TTTP-P5 “Về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức)”. Kết luận nêu rõ: “Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Tâm đã dần khép lại, những kẻ gây ra tội ác sẽ phải trả giá, đền tội thích đáng trước pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng, các đơn vị quốc phòng cũng như Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài, để cho các hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép, biến đất nhà nước thành đất của mình và khi thu hồi thì phải đền bù. Trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, chỉ có 5 hộ có giấy do Ủy ban hành chính xã, Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm cho, cho mượn đất để ở và sản xuất từ trước năm 1980 mà không có hộ ông Lê Đình Kình. Tuy nhiên lợi dụng kẽ hở này, Lê Đình Kình đã xúi giục lôi kéo nhân dân làm theo chỉ đạo của mình. Theo quy định pháp luật, ông Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực đất sân bay Miếu Môn…

 Hiện trạng đất sân bay Miếu Môn không thay đổi, không chuyển dịch mốc giới theo đo đạc của cơ quan chuyên môn, không có việc tăng hay giảm diện tích đất sân bay Miếu Môn và xã Đồng Tâm. Những thông tin, luận điệu quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, kiện cáo không được giải quyết “nên buộc phải phản ứng để giữ đất”… là sai lệch hoàn toàn, đánh lận bản chất.

Không chỉ vậy, trong việc xử lý “Tổ đồng thuận”, chính quyền còn thiếu quyết đoán, khiến sự việc kéo dài. Thực tế, tất cả 14 hộ dân có đất bị thu hồi ở sân bay Miếu Môn đều đồng ý, nhận tiền đền bù, trả đất cho nhà nước xây dựng, Lê Đình Kình và đồng bọn không hề có một tấc đất nào trong số 59 ha nhà nước thu hồi, thế nhưng vẫn để cho chúng lôi kéo người dân.

Khi xảy ra sự việc một số đối tượng kích động người dân bắt và giữ trái phép 38 cảnh sát cơ động, cán bộ huyện Mỹ Đức tại Nhà văn hóa thôn Hoành, ngày 22-4-2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về đối thoại và thuyết phục người dân chấm dứt hành động sai phạm này.

Đó là chính quyền các cấp đã luôn lắng nghe, cầu thị, hoàn toàn không “thờ ơ, vô cảm”, “phớt lờ đối thoại” như một số thông tin rêu rao một cách xảo trá, kích động. Tuyệt đối không có vụ “cưỡng chế” đất đai nào ở Đồng Tâm, mà lực lượng chức năng chỉ thực hiện các hành vi trấn áp cần thiết khi một số đối tượng có hành vi phá hoại công trình an ninh quốc gia, chống đối lực lượng thực thi công vụ mà thôi. Tuy nhiên, vì sự nhân nhượng, cầu thị này của chính quyền đã khiến “tổ đồng thuận” mượn cớ làm càn. Chúng ta cũng chưa nhận diện rõ những tồn tại trong công tác quản lý đất đai, những vấn đề khúc mắc của lòng dân, khiến nhiều người dân bị lôi kéo gây ra hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, không thể lấy yếu kém trong quản lý đất đai để biến thành câu chuyện đòi phải “trả lại đất” không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình. Nhất là khi nguồn gốc của nó đã rõ như ban ngày.

Đặc biệt, trong vụ án này sự ủng hộ của 2 vị đại biểu Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng cũng khiến những kẻ phản động mượn cớ xuyên tạc. Là Đại biểu Quốc hội, thế nhưng 2 vị Đại biểu này lại cổ xúy cho Lê Đình Kình và đồng bọn, ngay cả khi chúng bắt nhốt các chiến sĩ của ta thì giữa nghị trường các ông kêu đòi “liệu chính quyền đã trả tiền cơm cho dân Đồng Tâm hay chưa?”… chính những phát ngôn của 2 vị Đại biểu này là điểm tựa để đám Lê Đình Kình hung hăng hơn, tàn bạo và bất nhân hơn.

Sau sự việc này, thiết nghĩ bộ máy chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan cần rút kinh nghiệm, xử lý dứt khoát tình trạng đất đai bị lấn chiếm không chỉ ở Đồng Tâm hay riêng Hà Nội mà còn rất nhiều ở các địa phương khác. Chính quyền cơ sở cần phải nắm tình hình địa bàn để nắm được những bất thường ngay cả trong suy nghĩ của người dân để tránh những mồi lửa ngay từ khi nó bắt đầu.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều