+
Aa
-
like
comment

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ phải đi cùng với việc trân trọng những người làm được việc

Bích Ngân - 20/12/2024 11:05

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ phải đi cùng với việc trân trọng những người làm được việc. Đó là cách để những người có năng lực và khao khát phục vụ được góp sức nhiều nhất cho sự nghiệp chung.

Người dân nộp hồ sơ để thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa

Đừng quan trọng bằng cấp hay địa vị mà hãy đặt ý thức trách nhiệm lên trên hết.

Khi nước nhà được độc lập, Bác Hồ của chúng ta đã mời những người ngoài Đảng thực sự có tài tham gia Chính phủ… Trong thời kỳ đổi mới, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được mọi người quý mến bởi ông là người biết tập hợp trí thức có nhiệt tâm đối với công cuộc đổi mới để chung tay xây dựng đất nước, trong đó những người đã từng phục vụ cho chính quyền miền Nam trước 1975.

Hơn ai hết, những người làm được việc luôn mong muốn các cơ quan quản lý biết tôn trọng tài năng, chứ không chỉ chú trọng về quá trình, về nhân thân, mà không kể đến trí tuệ và tài đức. Nói cách khác là sự bình đẳng, công bằng, nhất là ở lĩnh vực tuyển chọn và đề bạt cán bộ phải được đặt lên hàng đầu.

Ở một góc độ khác, với những người làm được việc, tri thức đạo đức luôn được chuyển hóa thành hành vi đạo đức đúng đắn thể hiện lương tâm và nghĩa vụ nghề nghiệp trong mỗi con người vì thế họ luôn suy nghĩ, tìm tòi cái mới, cái phù hợp với lẽ sống để phục vụ cộng đồng.

Nhớ lại trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, hình ảnh những người thực thi công việc nơi tuyến đầu chống dịch chính là tấm gương phản chiếu của những người làm được việc. Những y bác sĩ, chiến sĩ biên phòng, công an… tận tụy với công việc mà đôi khi quên chăm sóc bản thân mình. Có nhiều người chấp nhận xa gia đình hay tạm hoãn đi ngày vui hạnh phúc để xung phong đi đến vùng tâm điểm của dịch bệnh hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác chống dịch.

Trân trọng những người làm được việc thể hiện qua thái độ chân thành, thẳng thắn, cầu thị và biết lắng nghe của những người lãnh đạo hay quản lý. Chắc chắn rằng khi bày tỏ quan điểm trước tập thể, đặc biệt là với cấp trên ít nhiều gì họ cũng chịu thiệt thòi nếu chính kiến của mình bị hiểu sai và thậm chí là bị phê phán.

Với những người quản lý hay lãnh đạo có tính bảo thủ và thực thi công việc theo lối mòn xưa cũ thì những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng chính là những “vật cản”. Trái lại với những người lãnh đạo có tầm nhìn đây chính là những nhân tố phát huy sức mạnh tập thể một cách tích cực nhất.

Hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ có những chuẩn mực, hoạch định mang tính tư duy mới nhằm cũng cố niềm tin cho những người trẻ để họ phát huy năng lực cùng với sự phát triển của đất nước.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều