+
Aa
-
like
comment

Lao động chui ở nước ngoài: Đổi đời hay đổi mạng?

Hạnh Phúc - 22/08/2022 15:04

“Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, lời nhắc nhở của ông cha trong hàng nghìn năm xưa ấy đến thời điểm hiện tại có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc chạy trốn sinh tử của 42 người Việt Nam khỏi Casino Campuchia gây chấn động dư luận mấy ngày gần đây là hành trình tìm về “ao nhà”, thấm thía cái giá phải trả từ sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết và tâm lý muốn làm giàu nhanh nhất bằng mọi giá.

Hình ảnh nhóm 42 người bỏ chạy từ casino bên kia biên giới về Việt Nam.

Hoàn cảnh khó khăn và tư duy hạn hẹp nhưng mong muốn tìm ngay đường đổi đời, một số người lao động Việt Nam đã tự mình bước chân vào những cạm bẫy “lao động chui” ở xứ người. Còn nhớ mới khoảng 3 năm trước, cả nước bàng hoàng trước thông tin 39 đồng bào tử vong trong xe tải đông lạnh khi nhập cảnh vào Anh để làm thuê chui. Chuyện xưa chưa kịp nguôi quên, thì hôm 18/8/2022, nhóm 42 người Việt từ Casino RichWorld (nơi họ bị dụ dỗ lao động trái phép tại Campuchia) bơi qua sông Bình Di về nước, trong đó có một thiếu niên 16 tuổi đã đuối nước tử vong. Đợi em phía trước, lẽ ra là bầu trời sáng tươi rạng rỡ của quê hương chứ không phải nước sông tê buốt lạnh lùng trên đất khách.

Trong hai trường hợp kể trên, tổn thất liên quan đến sinh mạng con người là tổn thất lớn lao nhất. Họ đa phần là người lao động khốn khổ đói nghèo rời đất nước ra đi nước ngoài tìm lấy cơ hội đổi đời, trở về giàu sang mở mày mở mặt với bà con lối xóm, hoặc chí ít là để thoát khỏi cảnh đói nghèo tối tăm. Tiếc rằng, chưa kịp đổi đời thì đã phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. Chưa kịp đổi đời đã đổi mạng, liệu có vì điều này mà thay đổi được tư duy lối mòn của người lao động về con đường làm giàu nhanh chóng?

Tình trạng người lao động tham gia xuất khẩu lao động trái phép hay còn gọi là lao động “chui” là một bài toán nan giải của các cơ quan chuyên trách và toàn xã hội. Tất cả những sự việc xót xa diễn ra mấy năm gần đây không nằm ngoài thực trạng nhức nhối của vấn nạn này. Những đường dây môi giới trái phép luôn nắm bắt được tâm lý người lao động là không muốn khó nhọc học tiếng nước ngoài, không muốn tốn công làm thủ thủ tục giấy tờ, không muốn mất công chờ đợi, phải mất nhiều thời gian chờ đợi nhưng lại muốn nhanh có việc làm để đổi đời thật nhanh… để vẽ ra những kế hoạch tiếp cận và lừa đảo thành công.

Có câu “ăn chắc mặc bền”, vậy tại sao đường thẳng chính thống họ không đi lại cứ mãi đâm quàng vào bụi rậm. Cuối cùng tiền mất tật mang, nếu không vùi xác mình nơi đất lạ thì cũng thân tàn ma dại lúc trở về. Một người Hà Tĩnh từng đi lao động Đức 10 năm chia sẻ: “ Nó quá khổ và nguy cơ mất mạng sống vẫn luôn cận kề”. Hay những người ở vừa thoát khỏi casino nói trên cũng thừa nhận: “Ở lại đó thì sớm hay muộn cũng chết”.

Chúng ta chỉ có một con đường duy nhất để sống an lành là làm người tử tế và tuân thủ pháp luật. Đã rời quê hương ra đi tìm công việc ở nước ngoài thì phải bước trên con đường thênh thang rộng lớn của tổ chức hợp pháp có đường lối chính sách rõ ràng, hợp đồng điều lệ chính thống. Và như thế, chúng ta mới có cơ hội được bảo vệ và giúp đỡ nơi xứ lạ trời xa cũng có cộng đồng tổ chức biết đến mà tương trợ khi khó khăn hoạn nạn.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân, những sự việc đau lòng trên hi vọng đủ sức cảnh tỉnh những người muốn rời “ao nhà” tìm cơ hội đổi đời bằng con đường ngang dọc hiểm nguy. Những người lao động khổ nghèo ít học, thiếu hiểu biết luôn là miếng mồi béo bở cho các đối tượng lừa đảo tìm cách dụ dỗ. Tình cảnh của họ thật sự rất đáng thương, giữa muôn vàn cạm bẫy bủa vây như thế, họ khó lòng mà vượt qua để không vướng vòng ngang trái.

Trước thông tin 42 người trốn khỏi “địa ngục casino”, dư luận bày tỏ sự xót xa và cám cảnh nỗi niềm tha hương cầu thực của họ. Tuy nhiên, một số người thẳng thắn chỉ rõ: “Đừng nghĩ qua Cam làm việc là giống như một thiên đường dễ kiếm tiền nha. Ở Việt Nam cũng có công việc để nuôi sống mình, cứ đòi nhiều tiền khi không có sự hiểu biết thì phải trả giá là tất nhiên rồi”.

Thực tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào ngoài nước Việt mình, thì việc ảo tưởng đó là “miền đất hứa” để bằng mọi giá đến đó làm việc sẽ dẫn đến vô vàn hệ lụy cho người lao động. Bằng sức lao động chân chính và không ngừng nâng cao hiểu biết, thay đổi tư duy theo hướng tích cực về cuộc đời và số phận, cảnh giác trước mọi cạm bẫy “việc nhẹ lương cao” … chúng ta sẽ tìm thấy “miền đất hứa” cho chính mình.

Và, đất nước này, Việt Nam thân yêu của chúng ta vẫn mãi là “ao nhà” an lành no đủ nếu chúng ta cùng tin tưởng và cùng dốc lòng cống hiến dựng xây.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều