+
Aa
-
like
comment

Việc hòa giải, đối thoại tại tòa án thành công sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí

25/05/2020 19:21

Ngày 25/5/2020, đóng góp cho dự thảo Luật Đối thoại, hòa giải tại tòa án, đại biểu Lưu Thành Công- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nếu luật được thông qua lần này, sẽ làm cơ sở pháp lý giải quyết được các vấn đề đặt ra về cơ chế hòa giải, đối thoại những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án trước khi tòa thụ lý giải quyết theo trình tự được trong quy định trong pháp luật tố tụng.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi thấy còn một số vấn đề xin phát biểu để ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, dự thảo luật quy định, chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách nhà nước đảm bảo. Theo đó, chi phí cho hoạt động này bao gồm rất nhiều khoản, vậy thì Nhà nước đảm bảo khoản nào cần làm rõ.

Còn rất nhiều khoản chi phí liên quan khác chẳng hạn như phụ cấp cho hòa giải viên, chi phí in ấn tài liệu và một số chi phí khác nữa phát sinh trong quá trình hòa giải, đối thoại vấn đề này chưa nói rõ trong dự thảo luật. Nếu quy định chung như thế này thì ngân sách nhà nước hàng năm phải gánh thêm một khoản khá nhiều.

Do đó tôi đề nghị cần xác định rõ chi phí nào được nhà nước hỗ trợ, chi phí nào phải thu từ các bên có yêu cầu hòa giải, đối thoại chi trả, như vậy sẽ bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời các bên tranh chấp sẽ có trách nhiệm hơn trong quá trình hòa giải.

Đối với quy định về hòa giải viên ở điều 10 khoản 1 về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, các đối tượng được bổ nhiệm quy định như trong dự thảo luật tôi đồng ý.

Nhưng riêng đối với nhóm đối tượng là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, yêu cầu phải có 10 năm kinh nghiệm, nếu yêu cầu cao như thế này, thì chúng ta sẽ rất khó để có một đội ngũ hòa giải viên đa dạng các thành phần.

Theo tôi, để có một đội ngũ hòa giải viên có chất lượng cao thì yêu cầu này chỉ cần 5 năm là đủ, vả lại yêu cầu về tiêu chuẩn hòa giải viên đã được quy định rõ ràng là phải có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong chấp hành pháp luật, có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, có chứng chỉ hòa giải đối thoại tại tòa án.

Đối với quy định nhiệm kỳ của hòa giải viên tại khoản 6 điều 11, nhiệm kỳ hòa giải viên là 3 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Quy định như thế này theo tôi nhiệm kỳ của hòa giải viên là quá ngắn, đề nghị nhiệm kỳ hòa giải viên phải là 5 năm vì quy trình lựa chọn của chúng ta là khá kỹ lưỡng, tiêu chuẩn của một hòa giải viên khá cao, quy trình bổ nhiệm cũng khá chặt chẽ, rồi phải có quyết định của chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh công nhận, rồi phải công bố ở 3 cấp tòa án.

Biết rằng hết 3 năm thì sẽ được bổ nhiệm lại, nhưng tâm lý của hòa giải viên cũng sẽ không an tâm và đồng thời chúng ta cũng lại phải tiến hành làm các thủ tục cần thiết để bổ nhiệm lại vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém chi phí.

Cùng một vụ việc được gọi là phức tạp, thì vụ việc phức tạp nào chúng ta được quyền áp dụng thời hạn không quá 30 ngày, vụ việc phức tạp nào thì chúng ta cho phép kéo dài đến 2 tháng.

Tôi đề gom lại thành một khoản theo hướng mở rộng thêm thời gian hòa giải, đối thoại cho tất cả các vụ việc mang tính chất phức tạp như sau: thời hạn hòa giải, đối thoại không quá 20 ngày kể từ ngày hòa giải viên được chỉ định.

Đối với vụ việc phức tạp thời hạn này có thể kéo dài theo thỏa thuận thống nhất của các bên nhưng không quá 2 tháng.

Quy định như thế này chúng ta mở rộng thời gian cho tất cả các vụ việc có nội dung phức tạp để hòa giải viên có thời gian nghiên cứu thêm tài liệu, tìm hiểu thêm các luận cứ vững chắc để thuyết phục các bên nếu được như thế thì khả năng thành công của các vụ việc hòa giải sẽ cao hơn.

Đối với quy định về việc chấm dứt hòa giải đối thoại tại điều 40 tôi đề nghị xem lại khoản 4 của điều 40 được coi là hòa giải, đối thoại không thành khi trong quá trình hòa giải, đối thoại phát hiện vụ việc không thuộc trường hợp được hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khi nhận được hồ sơ đề nghị xem xét để thực hiện hòa giải, đối thoại, trước khi chuyển giao cho hòa giải viên thì tòa án phải có trách nhiệm, phải có một bước kiểm tra toàn bộ nội dung vụ việc xem có đúng theo quy định là được hòa giải, đối thoại tại tòa không, hay phải tiến hành bằng một trình tự thủ tục, tố tụng khác.

Nếu không có bước kiểm tra này khi đưa ra hòa giải, đối thoại thì mới phát hiện vụ việc không nằm trong quy định được hòa giải, đối thoại tại tòa án. Như vậy sẽ tốn kém rất nhiều thời gian tiền bạc lại không đúng với bản chất sự việc gọi là hòa giải không thành.

BÙI THANH/ BVL

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều