Việc gì công an phải cướp công cứu bé sơ sinh vì thành tích?
Chiều ngày 19/8, người dân Gia Lâm Hà Nội đã phát hiện bé sơ sinh bị mắc kẹt tại khe tường giữa hai ngôi nhà. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tìm cách giải cứu cháu bé. Tuy nhiên, chỉ một chuyện rất bình thường này mà một số cá nhân tổ chức trong và ngoài nước lại mượn cớ tố cáo lực lượng công an cướp công cứu bé sơ sinh vì thành tích? Thật nực cười.
Cụ thể, ngày 20/8 trên trang website của BBC Tiếng Việt và Đài châu á tự do đồng loạt đăng tải bài viết với tiêu đề: “Công an ‘cướp công’ người cứu bé sơ sinh vì thành tích?”, “Vụ cứu bé sơ sinh: Dân tố công an ‘Lý Thông cướp công Thạch Sanh'” với nội dung xuyên tạc rằng các thanh niên địa phương đã tự dùng khoan giải cứu cháu bé trước khi lực lượng chức năng có mặt chứ không phải do lực lượng chức năng đục tường để đưa cháu ra ngoài.
Nhưng sự thật không hề như những lời mà RFA, BBC và những đối tượng chống phá rêu rao. Do khe tường quá hẹp, lực lượng chức năng cùng nhân dân đã thận trọng đục tường, nỗ lực bảo đảm an toàn đưa cháu bé ra ngoài thành công. Và đại diện Công an huyện Gia Lâm cũng khẳng định rằng, lực lượng công an, cứu hộ tới hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương phá tường, đưa cháu bé ra ngoài và đưa tới Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, sau đó đưa tiếp tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Xanh Pôn. Chứ không hề có chuyện công an cướp công cứu bé sơ sinh vì thành tích gì ở đây cả. Tất cả đều cố gắng hết sức với mục tiêu làm sao đưa cháu bé ra ngoài an toàn, nào ai nghĩ đến thành tích hay cướp công của ai.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện vu khống lực lượng công an cướp thành tích trong việc cứu bé sơ sinh mà RFA còn được dịp bịa đặt, nói xấu nhằm hạ bệ hình ảnh của lực lượng công an nhân dân rằng: “Chuyện công an báo cáo để lấy thành tích là chuyện xảy ra thường xuyên nhưng người dân không muốn lên tiếng… Lâu nay, việc thổi phồng thành tích đã trở thành căn bệnh của không ít cá nhân và các ban ngành trong mọi lĩnh vực. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu…”
Thực tế, không thể phủ nhận trong đội ngũ lực lượng công an còn tồn tại một số bộ phận cá nhân còn chạy theo bệnh thành tích, tuy nhiên chúng ta không thể vì một bộ phận này mà quy chụp, đổ lỗi nói xấu cả ngành công an nhân dân. Thời gian qua, những câu chuyện về người chiến sỹ Công an quên mình, bất chấp hiểm nguy vì Tổ quốc, vì nhân dân vẫn luôn xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Dầm mình trong dòng nước lạnh, lặn lội đêm khuya trên sông nước để tìm tung tích, thi thể nạn nhân; băng mình qua ngọn lửa để cứu người, cứu tài sản… là công việc của những chiến sĩ công an vì dân quên mình. Sao chúng ta không nhắc đến những khó khăn mà họ phải đối mặt để thấu hiểu?
Tôi còn nhớ mãi câu nói của Trung úy Trần Văn Thành, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH công an tỉnh Vĩnh Phúc trả lời báo chí sau khi cứu người trong vụ tai nạn ở Tam Đảo: “Nỗi sợ lớn nhất không phải là những hiểm nguy đang chờ đón, càng không phải sợ cái nóng đến hàng nghìn độ C, cái lạnh buốt của dòng nước lạnh giá trong những đêm đông, mà là sợ không cứu được các nạn nhân, sợ phải nghe những tiếng nấc nghẹn ngào, sợ phải thấy những ánh mắt thất thần nhưng lại bật lên tia hy vọng khi khi lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến. Trách nhiệm đặt trên vai, chính vì vậy, khi làm nhiệm vụ chúng tôi luôn tâm niệm: Dù mệt mỏi thế nào, hay công việc có gian nan, vất vả, nguy hiểm đến tính mạng bản thân, nhưng bù lại, khi cứu sống được một người là điều thành công nhất. Chúng tôi rất vui và tự hào về công việc mình đang làm”.
Với tinh thần “Tất cả vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân”, những chiến sĩ công an nhân dân xem việc cứu người là trách nhiệm là nghĩa vụ. Thực tế câu chuyện giải cứu cháu bé sơ sinh thành công, không quan trọng ai là người giải cứu mà điều quan trọng là chúng ta đã cứu được một sinh mạng đó là điều thiêng liêng.
Đáng nhẽ RFA, BBC Tiếng Việt hay một số đối tượng chống phá cần làm là lên án người mẹ nhẫn tâm đã vứt bỏ cháu bé mới sinh ở khe tường chứ không phải là chĩa ngòi bút để chống phá, hạ bệ hình ảnh lực lượng công an nhân dân. Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở khu dân cư, trong bệnh viện, thậm chí ở bãi rác, hố ga dưới trời nắng nóng khiến ai cũng phải xót xa trước số phận kém may mắn của những đứa trẻ vô tội. Tình trạng này khiến mọi người không khỏi thương cảm đối với những đứa trẻ kém may mắn mà còn cảm thấy phẫn uất đối với những người mẹ vô cảm, mất nhân tính khi bỏ rơi chính đứa con mình mới sinh ra. Phần lớn khi được phát hiện, các đứa trẻ đều trong tình trạng sinh non hoặc bị những bệnh lý nặng như dị tật bẩm sinh, bị nhiễm trùng nặng… và thậm chí bị vứt bỏ quá lâu không được ai phát hiện dẫn đến tử vong.
Thiết nghĩ giới trẻ hiện nay cần chấn chỉnh lại lối sống, rèn luyện kĩ năng sống của bản thân, nâng cao kiến thức về giới tính, pháp luật để từ đó có những nhận thức đúng đắn, có cách phòng tránh, bảo vệ bản thân.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả