Vỉa hè Hà Nội vừa lát đã hỏng trách nhiệm thuộc về ai?
Vấn đề lát đá vỉa hè bắt đầu từ việc chính quyền thành phố Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố năm 2016, với mục tiêu đến năm 2020 vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ được tính toán lên đến 70 năm.
Từ năm 2016 đến nay, nhất là những dịp giáp tết năm nào Hà Nội cũng như một công trường và người dân dự báo việc lát đá vỉa hè phố còn phải tiếp tục nhiều năm nữa bởi có nhiều phố vừa lát lên đã hỏng.
Người dân rất bức xúc bởi cứ tưởng sau khi chỉnh trang xong hè phố sẽ đẹp hơn, bền vững hơn chứ không ai nghĩ là chất lượng đá lát vỉa hè lại kém đến vậy. Hiện nay trên một số tuyến phố sau vài năm đưa vào sử dụng, vỉa hè mới như phố Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng và bao nhiêu tuyến phố khác … đá lát vỉa hè lại xuống cấp một cách thê thảm. Nhiều nơi đá bị rạn vỡ, miếng vỡ bung hẳn lên mặt đường làm mất mĩ quan thành phố và gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Gần đây, nhằm thay đổi diện mạo của thủ đô Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Hà Nội lại gấp rút thực hiện thay đá vỉa hè mới bằng đá tự nhiên tại các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình và một số nơi tuyến phố khác ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai. Nhân dân thành phố Hà Nội rất phấn khởi, khi chính quyền thành phố Hà Nội luôn quan tâm và dành rất nhiều chi phí để chăm lo đến công tác chỉnh trang đô thị. Hà Nội là thủ đô của cả nước, nên việc làm sạch đẹp thủ đô là nguyện vọng không chỉ riêng của người dân Hà Nội mà là nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì vậy chỉnh trang vỉa hè là một chủ trương đúng của TP và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Song trên thực tế việc chỉnh trang vỉa hè không được như ý muốn và mang lại rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng vỉa hè vừa lát đã xuống cấp dư luận cho rằng có nhiều nguyên nhân trong đó liên quan đến kĩ thuật thi công và chất lượng đá tự nhiên. Nhiều người cho rằng, lát đá trên các con phố phố đi bộ và vỉa hè là việc quá quen thuộc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mọi người đều biết ở hầu hết các nước ở Âu, Mỹ ở những nơi quảng trường hay những nơi công cộng đâu đâu người ta cũng thấy hình ảnh những con đường cổ, những ngõ ngách được lát đá đen rất ấn tượng và có độ bền cao, thi công dễ. Đặc biệt là khi phải thay thế những viên hỏng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Các chuyên gia cho rằng sở dĩ vỉa hè ở Hà Nội mau hỏng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là chọn đá, và kích thước đá và kĩ thuật thi công là nguyên nhân chủ yếu
Kích thước đá lớn thi công nhanh, nhưng đòi hỏi nền vỉa hè phải thi công kĩ. Dù biết rằng thi công lát đá vỉa hè Hà Nội luôn diễn ra trong điều kiện phức tạp. Vừa thi công vừa phải bảo đảm việc đi lại cho dân, lại phải bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên nếu vì phải chạy theo tiến độ mà bỏ qua chất lượng thì đó là điều sai lầm và gây lãng phí. Vấn đề ở đây dư luận cho rằng là do quy trình quản lí chất lượng chưa tốt.
Cũng một việc lát đá vỉa hè sao Vingroup làm rất tốt. Ai cũng biết trong các khu đô thị do Vingroup làm chủ đầu tư những tuyến phố lát đá, đá đen trong vòng 5-6 năm người ta chưa thấy xuất hiện những hiện tượng xuống cấp như ở Times City, mặc dù lưu lượng người xe qua lại nơi đây rất lớn. Quan sát quá trình thi công của Vingroup người dân được chứng kiến một quy trình hết sức chặt chẽ. Từ khâu làm cốt đường cho đến khâu lát đá, tất cả đều được tuân thủ theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt. Trước hết cốt đường trước khi được bàn giao phải bảo đảm đủ độ cứng,đô dốc sao cho bảo đảm thoát nước. Mặt cốt đường trước khi lát đá được đổ một lớp bê tông mỏng bảo đảm việc đặt đá lên không bị vênh, cong. Việc lát đá được triển khai dưới sự giám sát chất lượng chặt chẽ, những chỗ chưa phẳng phải được làm lại sao cho phẳng sao cho mỗi viên đá lát xuống không bị vênh, cập kênh. Công trình lát xong phải có thời gian chờ đợi đủ cho xi măng đông cứng khi đó mới cho người đi qua. Chính nhờ giám sát chặt chẽ như thế nên các công trình do Vingroup thi công luôn bảo đảm độ bền chắc và mĩ quan.
Trong khi đó các đội thi công lát vỉa hè trên phố HN thi công rất ẩu. Trong lúc nền cốt đường chủ yếu là đất và cát, chưa đầm chắc đã tiến hành lát đá. Quy trình giám sát chất lượng hầu như không được áp dụng, trong quá trình thi công không tổ chức che chắn nên người và xe đi và khi chưa khô xi măng và cố định gạch nên luôn bị xô lệch.Chính vì vậy nên chất lượng lát vỉa hè không cao. Vì thế mà có nơi vừa lát hôm trước hôm sau đã hỏng. Vật tư như đá, xi măng cát vứt đầy phố rất lãng phí, chỉ gặp một trận mưa là trôi hết. Người dân thấy thế lại nhắc lại câu nói đã quá quen thuộc “của chùa” hay câu “cha chung không ai khóc”. Nhìn cảnh công nhân hàng ngày thi công lát vỉa hè trên các phố người dân không bao giờ tin là chất lượng có thể tốt lên được.
Mặt khác, kích thước đá lát hình như mỗi ngày một lớn hơn. Với loại đá có kích thước lớn, trong khi thi công khi cốt đường vỉa hè chưa tốt, sụt lún sẽ dễ gây vỡ đá. Chỉ cần cốt vỉa hè không phẳng là có thể gây nên rạn nứt hoặc vỡ ngay khi có tác động từ phía trên. Một điều cần lưu ý nữa là, nếu muốn việc lát đá vỉa hè đảm bảo chất lượng tốtthì điều cần làm ngay là UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cần sớm nghiên cứu ban hành quy trình quản lí chất lượng, quản lí từ khâu lựa chọn vật liệu cho đến giám sát quy trình thi công. Đội thi công phải lựa chọn những cán bộ kĩ thuật có tay nghề cao, kĩ thuật giỏi và có trách nhiệm. Trong quá trình kí kết hợp đồng thi công phải có bảo hành và thời hạn bảo hành, những trường hợp hỏng hóc phải thay đổi, phải bồi thường. Về quy cách đá lát dư luận cho rằng nên sử dụng loại đá lát có kích thước nhỏ cỡ 10×10 cm hoặc 10×12 vừa dễ thi công lại vừa bảo đảm độ bền. Mặt khác cần quy hoạch vỉa hè một cách đồng bộ tránh những trường hợp đào bới vỉa hè một cách tùy tiện, làm giảm chất lượng và độ cứng của vỉa hè.
Dư luận Hà Nội hiện đang rất bức xúc và khẳng định quy trình lát vỉa hè rõ ràng không có sự giám sát về chất lượng, nên mới liên tục xẩy ra tình trạng vừa lát xong đã hỏng. Việc thi công lát vỉa hè cần tiến hành đấu thầu công khai nhằm tìm ra những đơn vị tốt nhất, có năng lực và kinh nghiệm. Tránh việc giao thầu vì nể nang, vì lợi ích nhóm làm ảnh hưởng chung đến chất lượng các công trình.
Thủ đô là bộ mặt của cả nước vì vậy việc làm đẹp cho thủ đô là trách nhiệm chung của mọi công dân, mọi cấp chính quyền đặc biệt là chính quyền thành phố Hà Nội. Lát vỉa hè là một công việc nhỏ, nhưng lát và làm đẹp cho 900 tuyến phố nội ngoại thành lại là một việc lớn thậm chí là quá lớn vì hàng năm thành phố phải chi một lượng ngân sách khổng lồ. Vì vậy thi công bảo đảm chất lượng chính là tiết kiệm ngân sách, là sử dụng tiền thuế của nhân dân một cách hợp lý, hiệu quả.
UBND thành phố Hà Nội phải rất nghiêm túc trong chỉnh trang đô thị, không được để tình trạng này kéo dài làm mất uy tín trước nhân dân. Việc quản lý tốt, bảo đảm chất lượng là hình thức tiết kiệm tốt nhất cho ngân sách. Người dân cho rằng việc lát đá vỉa hè không chỉ quan trọng trong tiến hành mà cần có quy định su khi lát mới có thể bảo đảm được độ bền của đá, đúng chất lượng của đá vỉa hè. Các ngành điện lực, viễn thông, cấp thoát nước cần có sự phối hợp để bảo đảm tính đồng bộ tránh tuyệt đối những trường hợp vừa lấp hôm nay mai lại có người đào gây bức xúc trong dư luận. Phải có quy chế xử phạt nghiêm nhằm buộc các đơn vị khi công phải hoàn trả vỉa hè với chất lượng nguyên trạng tránh những trường hợp làm ẩu, cẩu thả chất lượng kém gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời các chính quyền phường quận cần thông báo giáo dục nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, trong quản lý bảo vệ vỉa hè. Giám sát những đội thi công ở khu vực mình sinh sống, khi thấy những đội thi công ẩu cần báo cáo chính quyền kịp thời.
Tiền ngân sách là tiền do nhân dân đóng góp, vì vậy sử dụng tiền ngân sách sao cho hợp lý, tiết kiệm và đạt hiệu quả là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Nhân dân hãy vì quyền lợi của mình mà nâng cao tinh thần trách nhiệm để lên án những hành vi làm ẩu, làm cẩu thả ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ảnh hưởng đến bộ mặt của thủ đô, của Việt Nam.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả