+
Aa
-
like
comment

Vị vua nước Việt lên ngôi ngày mùng 2 Tết

26/01/2020 08:33

Thành Thái là vị vua yêu nước của triều Nguyễn. Theo một số tài liệu lịch sử, ông là vị vua nước Việt duy nhất lên ngôi đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Vua Thành Thái có tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Lân, là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, trị vì từ năm 1889 đến 1907. Ông lên ngôi đúng ngày mùng 2 Tết.

Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”, điều đặc biệt là vua lên ngôi nhờ người phiên dịch sai, lễ đăng cơ không có ngọc tỷ truyền quốc. Hàm Nghi, Duy Tân và Thành Thái là 3 ông vua yêu nước nổi tiếng của triều đại nhà Nguyễn.

Vị vua không chịu nhục mất nước Lên ngôi khi còn nhỏ, Thành Thái ham học hỏi. Ông học chữ Nho, tiếng Pháp và cho cả con cùng học.

Vua cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học lái ca nô, làm quen vǎn minh phương Tây Ông để ý đến cả các loại vũ khí, đã giao cho cận thần vẽ mẫu các khẩu súng Pháp.

Ngay khi lên ngôi, Thành Thái đã có tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại, kể cả người Nam, người Pháp.

Ngày khởi công xây cầu Trường Tiền năm 1897, viên khâm sứ Pháp là Lévecque là người đặt hòn đá xây móng đầu tiên. Trước mặt vua Thành Thái, y ngạo mạn nói: “Chiếc cầu này mà gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại An Nam cho bệ hạ”.

Vi vua nuoc Viet len ngoi ngay mung 2 Tet hinh anh 1
Chân dung vua Thành Thái. Ảnh tư liệu.

Lời tự phụ chạm đến lòng tự ái của vua. Cầu xây chắc chắn nhưng chẳng ngờ đến năm 1904, vì mưa bão quá lớn nên bị gãy. Trong một bữa tiệc ở hoàng cung, vua đã nói với Lévecque: “Thế nào, cầu Trường Tiền đã gãy rồi, thưa ông?”.

Câu nói của vị vua yêu nước khiến Lévecque sa sẩm mặt mày, phải lảng tránh sang chuyện khác.

Vua khinh ghét những bọn quan lại xu nịnh. Một viên quan lớn là Nguyễn Thân đã tiến con gái song không được ông trân trọng. Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được vua trọng thị, vì vậy họ thường có thành kiến với ông.

Có lần, cầu Long Biên (được lấy tên Toàn quyền Pháp Doumer) xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng. Vua cười nhạt, trả lời: “Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu”.

Vua Thành Thái

Trong dịp Bắc tuần năm 1902, tận mắt thấy cảnh dân tình bị Pháp chà đạp, vua Thành Thái đã làm bài bộc lộ tư tưởng đánh đuổi kẻ thù:

“Mấy độ tang thương khiến hãi kinh / Lắm phen ngoảnh lại xót xa tình / Hồ Ngưu đã đổi ba triều đại / Động Hổ còn trơ vạn trận thành / Núi Nùng mây phủ nhìn kim cổ / Sông Nhĩ dòng trôi vẳng khốc thanh / Cầm hồ đoạt sáo còn đâu nữa / Ai giúp giang sơn gỡ bất bình”.

Được làm vua do phiên dịch sai Vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời khi chỉ còn 3 ngày nữa là trời đất chuyển sang năm mới. Nước không thể một ngày không có vua. Theo sách “Đời sống trong cung triều Nguyễn”, việc tuyển chọn vua mới cấp bách hơn bao giờ hết. Viện Cơ mật liền tới Lưỡng cung Hoàng Thái hậu thỉnh ý.

Hai bà Lưỡng cung không chọn con trai vua Đồng Khánh là Bửu Đảo vì mới 3 tuổi, song cũng chưa biết chọn ai, sợ xảy ra tranh chấp trong triều. Viện Cơ mật đã sang bàn bạc với khâm sứ Pháp là Rheiart. Cùng đi với đoàn là Diệp Văn Cương – cậu của vua Thành Thái – làm thông ngôn.

Các quan Viện Cơ mật hỏi Khâm sứ Pháp về việc chọn người kế vị vua Đồng Khánh. Diệp Văn Cương nghe rõ nhưng cố ý dịch lệch đi: Vua Đồng Khánh đã băng hà, Lưỡng cung và Viện Cơ mật đều muốn chọn hoàng tử Bửu Lân (vua Thành Thái) lên ngôi, chẳng hay ý khâm sứ thế nào?

Khâm sứ Pháp cho rằng triều đình và hoàng tộc đã bàn bạc kỹ nên trả lời: Lưỡng cung và triều đình đã chọn hoàng tử Bửu Lân thì chúng tôi xin tán thành.

Một lần nữa, Diệp Văn Cương lại chỉnh lại câu dịch cho sát với câu trên: Theo ý chúng tôi, Viện Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hơn cả.

Từ lỗi cố tình phiên dịch sai của Diệp Văn Cương, Nguyễn Phúc Bửu Lân được lên ngôi vua. Tuy vậy, mẹ vua là bà Từ Minh, thấy những hoàng đế trước đó đều phải nhận kết cục cay đắng, đã khóc lóc, van xin cho con mình không ngồi trên ngôi báu. Các quan đại thần phải khuyên bảo mãi.

Điều đặc biệt nữa là trong lễ đăng cơ không có ngọc tỷ truyền quốc, triều thần buộc phải làm một cái ấn khác. Nguyên nhân là trước đó ấn tín nhà Nguyễn bị mất khi vua Hàm Nghi mang ra Quảng Bình trong phong trào Cần Vương.

Để che mắt kẻ thù, vua Thành Thái thường xuyên có những lời nói kỳ quặc, việc làm đôi khi có phần “điên dại”.

Hành động “bất thường” của vua Thành Thái được trình báo với tòa khâm sứ. Biết rõ ý định của ông vua yêu nước, Khâm sứ lên kế hoạch phế truất nhà vua, hòng mong lập ông vua bù nhìn mới.

Lấy cớ vua “Thành Thái mắc bệnh điên”, thực dân Pháp đã phế truất ông vào ngày 2/9/1097, dựng lên một ông vua khác biết nghe lời.

Ngày 2/9/1907, đình thần dâng lên vua tờ chiếu thoái vị đã soạn sẵn. Vua Thành Thái chỉ liếc qua cười khinh bỉ, ký “phê chuẩn” vào phía dưới rồi lập tức đi vào.

Sau khi thoái vị, vua bị đem vào an trí ở Vũng Tàu. Đến năm 1916, ông cùng con trai là Duy Tân bị đày sang đảo Réunion. Đến năm 1947, vua mới được đưa về. Năm 1954, ông qua đời tại Sài Gòn, thọ 77 tuổi.

Dưới triều Thành Thái, nhiều công trình mới được xây dựng, như các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền… Tiêu biểu như trường Quốc học Huế năm 1896, chính vua Thành Thái là người đã gợi ý thành lập ngôi trường nổi tiếng đến tận hôm nay.

Nguyễn Thanh Điệp/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều