+
Aa
-
like
comment

Vị tỷ phú tuổi Canh Tý giúp hồi sinh một vùng đất, gây dựng đế chế hàng chục nghìn tỷ

25/01/2020 15:02

Năm 2003, Chu Lai là vùng đất nghèo, hoang sơ. Ông Trần Bá Dương chỉ mơ ước là làm kinh tế cho gia đình và lo cuộc sống cho 300 anh chị em cộng sự. Vậy nhưng giờ đây, Thaco đã trở thành công ty lớn nhất Việt Nam được nhiều thương hiệu quốc tế như BMW, Mazda… “chọn mặt gửi vàng”, vị doanh nhân sinh năm 1960 trở thành tỷ phú giàu thứ 3 Việt Nam.

Nhắc đến những vị doanh nhân tuổi Tý nổi danh trên thương trường, sẽ là thiếu sót lớn nếu không có ông Trần Bá Dương.

Người sáng lập đồng thời là Chủ tịch công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) sinh năm 1960, tuổi Canh Tý. Năm Canh Tý 2020 cũng là năm đánh dấu vị doanh nhân này bước sang tuổi lục tuần.

Tháng 3/2019, bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới được Forbes công bố đã vinh danh 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Ông chủ Thaco Trần Bá Dương giữ vị trí người giàu thứ ba Việt Nam với tài sản định giá 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1.349 thế giới. Và Thaco hiện là một trong không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghiệp gặt hái được những thành công lớn.

Tuy nhiên, để có ngày hôm nay, chặng đường mà ông Trần Bá Dương đã đi qua không chỉ toàn thảm đỏ.

Năm 2019, tỷ phú Trần Bá Dương giữ vị trí người giàu thứ ba Việt Nam với tài sản 1,7 tỷ USD

15 năm gây dựng cơ đồ

Khởi đầu với một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ, ông Trần Bá Dương đã đưa doanh nghiệp của mình trở thành công ty lớn nhất Việt Nam về sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô cho nhiều thương hiệu quốc tế như Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Foton, Mitsubishi-Fuso…; sản xuất xe buýt với thương hiệu Việt là Thaco Bus đồng thời phát triển Chu Lai thành cứ điểm sản xuất lắp ráp ô tô của Việt Nam và trong khu vực ASEAN, nộp ngân sách hàng năm gần 20.000 tỷ đồng.

Năm 2002-2003 đánh dấu dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của ông Trần Bá Dương, khi mà ông chủ của Thaco đã có quyết định táo bạo, mang tính chất bước ngoặt là đầu tư tại Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Ngãi). Khi đó, cơ sở lắp ráp ô tô tại Biên Hòa (Đồng Nai) dù mang lại lợi nhuận tốt nhưng không thỏa mãn được khát vọng đường dài. Ở vào thời điểm này, đi cùng với Công ty Ô tô Trường Hải tại Chu Lai là 288 nhà cung cấp linh phụ kiện có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, 15 năm thành lập Thaco – Chu Lai diễn ra hồi cuối năm 2018, Chủ tịch Thaco xúc động nói: “Năm 2003, Chu Lai là vùng đất nghèo, còn hoang sơ và Thaco chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh và sửa chữa ô tô tại Đồng Nai. Bản thân tôi chỉ mơ ước là làm kinh tế cho gia đình và lo cuộc sống cho 300 anh chị em cộng sự.

Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và tôi cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước. Có thể nói 15 năm dựng nghiệp ở Chu Lai là giai đoạn vươn mình trưởng thành của Thaco và cuộc đời doanh nhân của tôi”.

Ông Trần Bá Dương nhớ lại, 15 năm trước, vào năm 2003, cũng tại chính Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, xe buýt có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, là nhà máy đầu tiên tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

15 năm sau, cũng tại Chu Lai, Thaco mở rộng đầu tư 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai – Trường Hải và Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.

Được BMW “chọn mặt gửi vàng”

Năm 2017, Thaco được 2 tập đoàn ô tô lớn của thế giới là Dailmer và BMW cùng chọn để hiện thực hóa những kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam, mà điều đáng ngạc nhiên là 2 hãng ô tô này đang là đối thủ của nhau.

Ông chủ Thaco chia sẻ với báo giới rằng, đối với BMW, lần thứ ba quay lại thị trường Việt Nam, Thaco không phải là doanh nghiệp đầu tiên được nhắm tới, bởi lúc này Thaco đang kinh doanh một loạt thương hiệu xe ô tô khác là Mazda, Peugeot và Kia. Tuy nhiên, BMW đã bị hấp dẫn bởi cách làm của Thaco.

“Chúng tôi thuyết phục và BMW rất tâm đắc với việc khách hàng chỉ cần đến một nơi nhưng có thể ngắm được nhiều thương hiệu, để từ đó có thể so sánh, lựa chọn. Hiện chúng tôi đang triển khai mô hình kinh doanh showroom ô tô kết hợp với các trung tâm thương mại, giải trí, dịch vụ cao cấp, như vậy sẽ thu hút khách nhiều hơn. Hơn nữa, Thaco có cách để tạo ra sự khác biệt trong định vị của từng thương hiệu, kể cả về nhận diện thương hiệu, dịch vụ…” – ông Trần Bá Dương chia sẻ.

Theo ông Trần Bá Dương, việc bắt tay với các thương hiệu lớn, có tên tuổi lâu đời trong ngành công nghiệp ô tô thế giới là một cơ hội để bộ máy hiện có của Thaco học hỏi và trưởng thành hơn. Càng với những đối tác khó tính, khắt khe, doanh nghiệp càng học được nhiều điều và nâng cao trình độ.

“Tư duy của nhiều người Việt Nam là khi liên doanh, cứ để nước ngoài làm hết cho… khỏe, chỉ cần chia lời cho mình hưởng. Điều này không đúng, bởi không ai đi làm để người khác hưởng lợi. Trong khi đó, cái mình cần là công nghệ và kỹ thuật của đối tác. Bởi vậy, đến giờ này, tôi chưa liên doanh mà chỉ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu có cam kết liên doanh thì cũng sẽ nắm cổ phần chi phối” – vị tỷ phú tuổi Canh Tý tâm sự.

Hiện Thaco chiếm khoảng 32% thị phần ô tô trong nước. Năm 2019, Thaco đã bắt đầu có một số sản phẩm xe buýt, xe tải, xe container xuất khẩu sang Philippines, Mỹ, Nhật, Thái Lan… và đặt mục tiêu năm 2020 sẽ xuất khẩu 1.226 xe ô tô các loại, giảm áp lực nhập siêu từ 20-25% hiện nay.

Về đầu tư vào nông nghiệp, lãnh đạo Thaco cho hay, năm 2019, khoản đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu tốt lên, với doanh thu hơn 100 triệu USD. Năm 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu trái cây đạt doanh thu khoảng 1 tỷ USD.

Lê Lan/NDT

Bài mới
Đọc nhiều