Vị trí trung gian có thể giúp FDI vào Việt Nam lội ngược dòng
Covid-19 là bảo chứng cho những cam kết của Việt Nam về một môi trường đầu tư an toàn và cạnh tranh so với khu vực.
Bên cạnh đó, những điểm mới trong chính sách thu hút đầu tư hứa hẹn sẽ tăng lực hút dòng vốn “ngoại”, nhất là từ Nhật Bản.
Điểm đến an toàn
Việc Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 là cơ may cho các nhà đầu tư Nhật Bản như Towa Industrial. Ông Watanabe Yutaka, Giám đốc Công ty Towa Industrial Việt Nam (TP.HM) cho biết, do Covid-19 và nhu cầu cấp thiết tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các nhà máy của doanh nghiệp này ở các nước đã phải ngừng sản xuất. “Thay vào đó, chúng tôi đã dịch chuyển công suất sang các nhà máy tại Việt Nam nhờ Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Đây là điều hết sức có ý nghĩa với nhà đầu tư”, ông Yutaka nhấn mạnh.
Có được cơ may đó là nhờ Towa Industrial có những bước đi đầy tính toán ở thị trường Việt Nam. Trong khi chi phí sản xuất tại Thái Lan và Trung Quốc có xu hướng tăng cao và thị trường bão hòa, thì Việt Nam nổi lên là điểm đến hấp dẫn, với môi trường đầu tư cạnh tranh hơn.
Nhìn rộng ra, tình hình doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam dù sao cũng khả quan hơn so với tại các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Theo kết quả khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện từ ngày 18-24/6, trên 90% xác nhận chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 ở mức độ nhất định. Khó khăn chung của doanh nghiệp Nhật hoạt động ở các nước thời Covid-19 là thu xếp vốn, nhưng tại Việt Nam, khó khăn phần nào giảm bớt do tình hình dịch bệnh trong nước được khống chế.
Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, 20 – 30% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết, doanh thu đã về 0 hoặc tăng trưởng âm, trong khi tại Mỹ – nơi dịch bệnh đang tàn phá nặng nề nền kinh tế – tỷ lệ này cao gấp 3 lần, lên 60%.
Từ năm 2018 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ứng để phân tán rủi ro việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có 9% công ty Nhật Bản được khảo sát cho biết đang xem xét khả năng di chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, 4% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại các nước khác ngoài Trung Quốc khẳng định sẽ chuyển đến đầu tư tại Việt Nam.
FDI vào Việt Nam lội ngược dòng?
Trong khi kinh tế thế giới và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang suy giảm, thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong tổng số gần 16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm, có 8,44 tỷ USD đến từ 1.418 dự án đăng ký mới, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, nửa đầu năm 2020 ghi nhận 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, để đón bắt những dòng vốn đầu tư ngoại hậu Covid-19, bên cạnh các ngành nghề truyền thống, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, năng lượng. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển các ngành sinh – hóa học phục vụ sản xuất dược liệu, dược phẩm – những lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm.
Về phía Nhật Bản, từ trước khi Covid-19 bùng phát, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã có kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Thương chiến Mỹ – Trung và Covid-19 là những “bảo chứng” về vai trò “trung gian” của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tận dụng vị thế “trung gian” này và đón bắt tốt cơ hội, thì vốn FDI vào Việt Nam có thể lội ngược dòng so với tình hình của khu vực và thế giới.
Theo ông Sagara Hirohide, Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam (Hà Nội), với lợi thế bờ biển dài và hệ thống cảng biển, Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong hệ thống vận tải biển quốc tế. Đây là điều mà các nhà đầu tư Nhật Bản rất chú ý khi tính toán phương án mở rộng chuỗi cung ứng.
“Với vai trò như vậy, khi các rủi ro từ thị trường Trung Quốc gia tăng, thì sức hút đầu tư của Việt Nam càng tăng lên. Không riêng Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư nước ngoại khác cũng đang dõi theo thị trường Việt Nam”, ông Hirohide lập luận.
Lê Quân/ BĐT