+
Aa
-
like
comment

Vị tỉ phú ‘cho đi khi còn sống’ với 381,6 triệu USD đã đến Việt Nam

21/09/2020 09:22

Vị tỉ phú Mỹ 89 tuổi vừa hoàn thành mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình: cho đi tất cả khối tài sản 8 tỉ USD, chỉ chừa lại 2 triệu USD cho quãng đời còn lại. “Ông ấy là một vị Phật sống”, anh Phan Thanh Tùng nói về tỉ phú Chuck Feeney.

Vị tỉ phú cho đi khi còn sống với 381,6 triệu USD đã đến Việt Nam - Ảnh 1.
Tỉ phú Chuck Feeney – Ảnh: Quỹ Đại Tây Dương

Sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng. Tỉ phú Mỹ Chuck Feeney giữ quan điểm như thế và đã làm đúng như thế. Khi cho đi, ông thường muốn tự thân xem xét đồng tiền mình hiến tặng có đến được đúng người, đúng việc hay không.

“Cuộc gặp gỡ hôm ấy đã cho tôi cái nhìn khác về mục đích của đồng tiền kiếm ra. Trong đầu tôi nảy ra hàng loạt câu hỏi: Chuck Feeney là ai? Tại sao ông ấy lại cho những người xa lạ như tôi một số tiền lớn như vậy để ăn học?…” – anh Phan Thanh Tùng, một trong hàng trăm người Việt Nam được nhận học bổng du học Úc từ tỉ phú Chuck Feeney, nhớ lại buổi gặp mặt đặc biệt cách đây 15 năm. “Ông ấy là một vị Phật sống”, anh Tùng nói về tỉ phú Chuck Feeney ngay khi vừa bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi tối 19-9.

Vị tỉ phú Mỹ 89 tuổi vừa hoàn thành mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình: cho đi tất cả khối tài sản 8 tỉ USD, chỉ chừa lại 2 triệu USD cho quãng đời còn lại. Quỹ từ thiện Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies) mà ông bí mật thành lập vào năm 1982 tuần qua đã chính thức kết thúc sứ mệnh của mình. Hàng triệu người đã và đang hưởng lợi từ số tiền thiện nguyện của vị tỉ phú có triết lý “Cho đi khi còn sống”.

Cơ duyên với Việt Nam

Trở thành tỉ phú nhờ chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers, ông Chuck Feeney quyết định cần phải làm những gì có ý nghĩa khi còn sống, vậy là Quỹ Đại Tây Dương ra đời. Khác với những nhà tài phiệt khác, ông chọn đóng góp một cách ẩn danh vì muốn gặp gỡ mọi người, nói chuyện, học hỏi và hành động một cách tự nhiên, sâu sát.

Năm 1997, thương vụ bán cổ phần trong Duty Free Shoppers khiến Quỹ Đại Tây Dương của ông lộ diện. Tờ New York Times khi đó chạy một dòng tít lớn: “Người đàn ông này đã cho đi 600 triệu USD nhưng không một ai biết điều đó”.

Cơ duyên 2 thập kỷ với Việt Nam cũng bắt đầu trong cùng năm đó khi Feeney đọc được trên báo bài viết về Quỹ Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation – EMWF), một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại San Franciso (Mỹ). EMWF khi đó đã có một số chương trình thiện nguyện tại Việt Nam nhưng đang đứng trước thách thức lớn: chỉ còn đủ ngân sách cho 5 tháng hoạt động và chưa có một nguồn hỗ trợ nào khác.

Một tình cảm trỗi dậy bên trong ông vào lúc đó, như sau này ông từng tâm sự: “Mỹ đã không làm đủ để giúp tái thiết Việt Nam sau cuộc chiến. Tôi nghĩ Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khó khăn. Tôi muốn giúp một tay”. Feeney gọi ngay cho người đứng đầu EMWF và viết một tấm séc 100.000 USD để hỗ trợ. Số tiền khiêm tốn ấy đã mở đầu cho sứ mệnh kéo dài 16 năm của Quỹ Đại Tây Dương tại Việt Nam.

Trong một quyển sách do Quỹ Đại Tây Dương xuất bản năm 2018, Robert Matousek – một người bạn lâu năm của tỉ phú Feeney – nhớ lại những ngày hai người cùng sang Việt Nam tìm hiểu các hoạt động của EMWF. “Ông ấy thường đi bộ vào mọi ngóc ngách của các bệnh viện và trường học tồi tàn, miệng cứ lẩm bẩm “Mình có thể cải tạo cái này, xây mới lại cái kia”. Chuck nhận ra Việt Nam là một nơi đáng đầu tư thiện nguyện”, ông Matousek chia sẻ.

Các dự án tài trợ tại Việt Nam khi đó hầu như không dựa trên một chiến lược cụ thể nào. Quyết định dựa trên một thứ tình cảm gì đó đặc biệt của Feeney và giá trị cụ thể của từng việc riêng lẻ ấy đem lại. Chẳng hạn, trong một lần đến thăm văn phòng EMWF ở Đà Nẵng, Feeney thấy ở đối diện có công trình thư viện của một trường đại học đang xây dang dở. Sau cuộc trò chuyện với ban giám hiệu, ông quyết định hỗ trợ hoàn tất thư viện ấy. Chứng kiến cảnh các bệnh nhân chen chúc trong những bệnh viện cũ kỹ ở Huế và Đà Nẵng, Feeney cũng dang tay hỗ trợ nhưng cương quyết giữ nguyên tắc ẩn danh.

Mark Conroy, lúc bấy giờ là giám đốc EWMF, đã phải thốt lên kiểu than vãn rằng ông không thể làm việc được với chính quyền địa phương nếu Feeney cứ tiếp tục bí hiểm mà không nói lý do. Nhưng Feeney giữ nguyên tắc đó ở tất cả những nơi ông làm thiện nguyện, từ Ireland đến Cuba, Bermuda, Úc… khiến có nơi người ta tưởng ông đang… rửa tiền. Một quan chức Đại học RMIT Việt Nam, nơi Feeney hỗ trợ hơn 42 triệu USD, sau này cũng hé lộ thủ tục xin cấp phép lúc đầu rất nhiêu khê và bị kéo dài chỉ vì vị tỉ phú này muốn che giấu thân phận.

Vị tỉ phú cho đi khi còn sống với 381,6 triệu USD đã đến Việt Nam - Ảnh 4.
Anh Phan Thanh Tùng (trái) kể lại với người viết cuộc gặp gỡ đặc biệt năm xưa với tỉ phú Chuck Feeney

Cuộc gặp đặc biệt

Anh Tùng vẫn không quên được lần đầu gặp “ân nhân” Feeney vào một buổi chiều giáp Tết Nguyên đán 2005 ở Úc. Khi Tùng và các du học sinh Việt Nam khác ở Đại học Queensland đang tất bật chuẩn bị cho một bữa tiệc tất niên nhỏ, một người đàn ông tóc trắng, áo khoác ngả màu bước vào. “Đây là tỉ phú Chuck Feeney, người đã cho các bạn học bổng này”, người đàn ông trẻ hơn đi cùng lên tiếng giới thiệu.

Đó là lần đầu tiên Tùng nghe tới cái tên này và cũng là lần đầu anh biết số tiền 56.000 USD mà anh nhận được đến từ một người xa lạ cách anh nửa vòng trái đất. “Chuyến thăm bất ngờ hôm đó chỉ có đúng hai người, tỉ phú Feeney và người cộng sự. Ông ấy dường như không thích rình rang, không truyền thông tung hô gì cả, chỉ lặng lẽ vào trường thăm chúng tôi, bắt tay hỏi han từng người rồi về”, Tùng nhớ lại.

Cuộc gặp đó đã đi theo anh Tùng ở cuộc đời kiếm tiền sau này. Rồi đến lúc anh quyết định mở một quán bún chả với suy nghĩ đây cũng là một cách tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. Khi mọi việc dần đi vào ổn định, Tùng bắt đầu tiếp nhận một số nhân viên đặc biệt: những người câm điếc.

“Tỉ phú Feeney có ảnh hưởng rất lớn đến cách tôi nhìn đồng tiền kiếm ra được và cách dạy con cái quý trọng tiền bạc. Nếu không có ông ấy, có lẽ tôi sẽ chẳng đủ tiền để theo đuổi việc học ở Úc, nên khi nghe quỹ từ thiện đóng cửa tôi có chút hụt hẫng giống như đang mất đi một thứ gì đó”, Tùng tâm sự. Anh hi vọng các cựu du học sinh đã từng nhận học bổng của tỉ phú Feeney có thể chung tay lập một quỹ thiện nguyện dù không lớn lao nhưng cũng mang hơi hướng và triết lý “Cho đi khi còn sống” của Chuck Feeney.

chuck-vietnam-1 2(read-only)
Tỉ phú Chuck Feeney thăm một bệnh viện tại Việt Nam – Ảnh: Quỹ Đại Tây Dương

Từ năm 1998-2013, tỉ phú Chuck Feeney đã tài trợ 381,6 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam qua các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, cơ sở nghiên cứu. Giáo dục và chăm sóc sức khỏe là hai ưu tiên hàng đầu.

Thông qua các trường đại học Úc như Đại học Queensland, Đại học Melbourne…, tỉ phú Feeney đã cấp hàng trăm học bổng thạc sĩ và tiến sĩ toàn phần cho Việt Nam cùng các trung tâm học liệu đại học, trung tâm ngoại ngữ. 940 trạm xá cấp xã được Quỹ Đại Tây Dương tài trợ xây dựng, phục vụ cho hơn 9 triệu lượt người tính đến năm 2013.

DUY LINH/TTO

Bài mới
Đọc nhiều