Tuần qua, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phái đoàn Việt Nam tham dự Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Anh và chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Đặc biệt, hàng loạt tờ báo lớn như Reuters, Financial Times, Jungle Welt…đều đã có bài viết đánh giá cao cam kết đáng chú ý của Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.
Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, trang Reuters đã có bài viết, với lời khẳng định rằng mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chỉ mới bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ. Tuy nhiên, Việt Nam thực sự là quốc gia đi đầu về hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu, theo Reuters.
Riêng trang Kuwait Times lại có bài viết đưa ra nhận định rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26, đồng thời đưa ra những cam kết ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đối khí hậu cho thấy những sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đối khi hậu, một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay với toàn thế giới.
“Hơn nữa, chuyến đi của ông Phạm Minh Chính còn có ý nghĩa quan trọng truyền thông điệp tới người dân và doanh nghiệp Anh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu và những chính sách của Việt Nam thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hợp tác hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh“, trang Kuwait Times nhận định.
Không những thế, những tờ báo lớn của Anh như Financial Times, The Guardian và The Independent đều có chung nhận định mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Đặc biệt nhất, không thể kể đến là thông tin do trang Forbes đăng tải rằng, sau phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia mà tỷ phú Bezos sẽ viện trợ cho nhằm hướng đến mức phát thải ròng bằng 0, trong khuôn khổ sự kiện sự kiện COP26 diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland.
Không chỉ tại COP26, chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 3-5/11 và những kết quả vượt mong đợi cho mối quan hệ Việt – Pháp cũng được truyền thông thế giới đưa tin đậm nét.
Theo truyền thông Pháp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đầy uy tín, tự tin, bản lĩnh, đem lại nhiều thành công vô cùng mỹ mãn, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội vàng phát triển kinh tế.
Theo trang I’Humanité, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính một mặt chuyển tải thông điệp Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, mặt khác, việc chọn Pháp cho chuyến công du chính thức đầu tiên thể hiện chính sách “cân bằng” cả về chính trị và kinh tế của Việt Nam, nhất là mong muốn giảm dần tỉ trọng thương mại trong quan hệ với Trung Quốc.
Riêng trang La Tribune lại cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa Việt Nam trở thành cầu nối giữa châu Á và châu Âu cả về chính trị và kinh tế và triển vọng lớn về hợp tác kinh tế song phương.
Đồng thời mở ra những cơ hội to lớn hơn về thương mại, nhiều hợp đồng lớn có thể sẽ được ký kết tại Paris trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và công nghệ cao, theo La Tribune.
Cùng chung nhận định, trang Jungle Welt của Đức lại có bài viết cho rằng, thông qua chuyến công du này, Việt Nam và Pháp đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế trị giá hàng chục triệu euro, ngày càng thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N