+
Aa
-
like
comment

Vị thế Việt Nam giữa thời khủng hoảng

An Diễm - 30/09/2022 15:07

Nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo lâu nay luôn là thế mạnh của Việt Nam và nhờ vậy, trong những giai đoạn khủng hoảng thì Việt Nam luôn vững vàng, thậm chí trở thành một quốc gia quan trọng nhờ có sản lượng lúa gạo lớn. Mới đây có thông tin Việt Nam và Thái Lan cùng bàn chuyện tăng giá gạo nhờ lợi thế là các nước xuất khẩu hàng đầu sau khi Ấn Độ siết chặt nguồn cung.

Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt và vượt kế hoạch trong năm 2022

Cây lúa, củ khoai là những hình ảnh gắn liền với niềm tự hào của nền nông nghiệp Việt Nam. Từ một nước kém phát triển, thiếu thốn lương thực, nhờ những chính sách đúng đắn sau thời kỳ đổi mới mà Việt Nam trở thành một cường quốc về lúa gạo.

Có nhiều lúc, nhiều thời điểm mọi người quên đi điều này và coi thường lúa gạo do đây là những sản phẩm có doanh thu thấp, không hào nhoáng như ô tô, điện thoại. Thế nhưng, trong những giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế thế giới thì thực phẩm lên ngôi, và lúa gạo giúp Việt Nam luôn kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh, bảo đảm an ninh lương thực. Không những thế, trong những thời điểm như bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam còn trở thành một quyền lực có ảnh hưởng đến thị trường lương thực toàn cầu.

Mới đây Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới đã quyết định xiết nguồn cung bằng cách áp thuế xuất khẩu, khiến cho thị trường gạo toàn cầu chao đảo. Điều này khiến cho vai trò của Việt Nam cùng Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai và thứ ba thế giới trở nên vô cùng quan trọng. Thái Lan vốn là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam để giành giật thị trường nhưng nay quyết định bàn bạc cùng Việt Nam để nâng giá gạo. Đây là động thái hợp lý trong bối cảnh chúng ta cùng nước bạn đã trở thành những nhà xuất khẩu quyết định, nắm quyền chi phối, và là lúc để lấy lại vị thế quan trọng xứng đáng cho lúa gạo, phù hợp diễn biến thị trường.

Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất lúa gạo nhờ những người nông dân chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Nhờ đó mà chi phí sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan tới 100 USD/tấn gạo, dẫn đến giá bán tốt hơn. Nhưng điều đó cũng cho thấy đời sống nông dân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi, và đặc biệt nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế. Hiện nay, giá cả các vật tư nông nghiệp như: giống, phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng, và như vậy việc tăng giá gạo cũng là điều bắt buộc để cải thiện thu nhập và giúp bà con đảm bảo đời sống. Còn gì vui hơn khi mùa gặt cũng là mùa vui, được mùa và được cả giá?

Nông nghiệp là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và luôn được Nhà nước chú trọng phát triển. Nhưng đây cũng là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn khi biên lợi nhuận không quá cao, lại bị cạnh tranh nhiều từ thị trường thế giới. Việc bắt tay cùng đối thủ xuất khẩu gạo tăng giá thiết nghĩ là hướng đi tốt, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh cùng có lợi, thay vì phá giá nhau để rồi cùng thiệt hại. Thời khủng hoảng có nhiều nguy cơ, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới, và biết đâu đây sẽ một kinh nghiệm đáng quý cho những nhà quản lý của nền nông nghiệp Việt Nam?

Thế giới đang thiếu thốn, trong khi Việt Nam vẫn vững vàng và nắm trong tay quyền “định đoạt” giá lương thực toàn cầu. Một khoảnh khắc Việt Nam tỏa sáng.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều