Vị thế Việt Nam được khẳng định tại “đại bản doanh” Geneva

Khi các quốc gia đã bắt đầu mở cửa trở lại, khi Việt Nam đang thực hiện chiến lược thích nghi, sống chung an toàn với dịch thì đây cũng là lúc Việt Nam tranh thủ thời cơ để phục hồi, phát triển kinh tế. Chuyến thăm và làm việc Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không nằm ngoài mục tiêu tạo đòn bẩy đưa Việt Nam bước ra khỏi mọi sự kìm kẹp của dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua.

Theo lời Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin thì Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sỹ ở Đông Nam Á. Với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỷ USD, hiện Thụy Sỹ xếp thứ 20 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Những năm qua, thương mại đầu tư giữa hai nước không ngừng được nâng lên, nhiều lĩnh vực mới được mở ra. Tuy đạt nhiều thành tựu như thế nhưng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.

Thụy Sỹ là một trong số ít các nước châu Âu vẫn tiếp tục coi Việt Nam là đối tác ưu tiên hợp tác phát triển. Chương trình Hợp tác phát triển Thụy Sỹ dành cho Việt Nam trong 30 năm qua (1991-2021) đạt hơn 600 triệu USD và Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2021-2024.

Chính vì thế, khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Thụy Sỹ, hai nước bước vào hội đàm với tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã thảo luận sâu rộng, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Dựa trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước cũng như cơ hội và tiềm năng hợp tác với Việt Nam, Tổng thống Thụy Sỹ đã mở lời: “Nếu ký được một hiệp định tự do thương mại giữa hai bên thì chắc chắn chúng ta sẽ còn khai thác tốt hơn nữa tiềm năng này”. Có thể nói đây là lời mời gọi rất thiết thực và có lợi cho cả hai nước, bởi Thụy Sỹ là nước có rất nhiều thế mạnh về tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, chế tạo,… còn Việt Nam đang có nhu cầu được phát triển những lĩnh vực kể trên. Thế nên, hiệu quả hợp tác chắc chắn sẽ rất lớn dựa trên cơ sở có cung có cầu. Nếu như có một Hiệp định FTA tương tự như Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu thì đây sẽ là cơ sở để hai nước có thể loại bỏ các rào cản lưu thông hàng hóa, tháo gỡ những khó khăn về pháp lý, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân nhiều hơn.

Và thật đáng phấn khởi khi hai bên nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến kinh tế của Việt Nam và nhiều nước ảnh hưởng nặng nề thì việc hai nước thống nhất sẽ mang về nhiều lợi ích thiết thực cho việc các bên. Đặc biệt trong chuyến thăm này, không thể không nhắc đến Chương trình Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao bởi đây là bước ngoại giao kinh tế rất cần thiết để Việt Nam có thêm nguồn lực phục hồi sau đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin.

Còn nhớ, mới đây, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 nên tập trung vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi. Do đó, chuyến thăm Thụy Sỹ không chỉ thúc đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do mà còn là dịp để Chủ tịch nước mời gọi Thụy Sỹ đầu tư công nghệ cao giúp Việt Nam thực hiện lời cam kết với quốc tế. Một đất nước muốn phát triển nhảy vọt như kiểu rũ bùn đứng dậy sáng lòa, bên cạnh yếu tố con người đóng vai trò chủ đạo thì không thể tách rời yếu tố khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với khoa học – công nghệ đóng vai trò then chốt thì chuyến thăm và làm việc với Thụy Sỹ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cái cách Chủ tịch nước truyền đi thông điệp rất rõ ràng, ai cũng thấy được sự cam kết mạnh mẽ với tầm nhìn hướng tới nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác, đưa quan hệ song phương với Thụy Sỹ đi vào chiều sâu, thực chất trong những năm tới.

Từ một nước phải nhận viện trợ của Liên Hợp quốc (LHQ) để khắc phục hậu quả chiến tranh, đến nay Việt Nam đã vươn lên, tham gia sâu rộng và có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm và toàn diện vào các hoạt động của LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cùng các cơ quan của các tổ chức chuyên môn. Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn đến trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sỹ) và có buổi làm việc với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Tại đây, Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX.

Thời gian qua, thế giới phải đối mặt với sự truy quét nguy hiểm của dịch Covid-19, vaccine được cho là vũ khí hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Dù nguồn cung vaccine trên thế giới khan hiếm nhưng tính đến giữa tháng 9/2021, Việt Nam vẫn được các nước ưu ái viện trợ hơn 11,7 triệu liệu vaccine thông qua cơ chế COVAX. Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước luôn trong tâm thế thể hiện văn hóa biết ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của các nước dành cho Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong việc thực hiện chiến lược tiêm chủng toàn dân thì trong chuyến thăm Thụy Sỹ lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đặt vấn đề với các cơ quan chuyên trách. Bên cạnh lời đề nghị Chương trình COVAX tiếp tục phân bổ và điều chuyển vaccine tới Việt Nam càng nhanh và càng nhiều thì Chủ tịch nước còn đề nghị các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine m-RNA, là nơi sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đặc biệt, khi làm việc với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị WHO hỗ trợ kỹ thuật cho vaccine Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh vaccine nội địa đang gặp những khó khăn ở giai đoạn nước rút và rất cần sự tháo gỡ. Lời đề nghị của Chủ tịch nước như mở ra một con đường đưa vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam ra quốc tế để kiểm chứng hiệu quả. Một khi thành công thì Việt Nam không cần phải nhập số lượng lớn vaccine ngoại như hiện nay nữa mà thay vào đó, Việt Nam chủ động được chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Trên hết, Việt Nam sẽ là quốc gia cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, y học Việt Nam cũng sẽ bước sang một trang mới, có tiếng nói to lớn hơn trên trường quốc tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng không quên nhắc lại sáng kiến phối hợp với các nước tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12) khi Việt Nam còn đảm nhận vai trò là Ủy viên không thường trực của Liên Hợp quốc. Từ việc WHO gật đầu sẵn sàng đưa ra thông điệp đến việc chuẩn bị tổ chức phiên họp đặc biệt để các nước thảo luận khả năng xây dựng một hiệp ước phòng chống đại dịch cấp toàn cầu, trong đó xem trọng quan điểm của Việt Nam. Từ đó có thể thấy Việt Nam đang nhận được sự tín nhiệm của WHO trong công tác phòng chống dịch.

Không chỉ thăm và làm việc với Thụy Sỹ vì Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước mà chúng ta có thể thấy rõ chuyến công du lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn phát đi thông điệp đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đến Thụy Sỹ, người đứng đầu Nhà nước ta đến thăm bang Geneva và Thống đốc bang Geneva Serge Dal Busco. Nơi đây là “đại bản doanh” của nhiều trụ sở của nhiều cơ quan, văn phòng của Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế và là một trong những trung tâm kinh tế – tài chính lớn của Châu Âu. Tại đây, Chủ tịch nước gặp Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại quốc tế WTO, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino tại thành phố Geneva,… Đây là một bước đi ngoại giao chiến lược nhằm tiếp cận các tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, tiếp tục khẳng định vị thế ngoại giao của Việt Nam.

Giờ đây, Việt Nam không chỉ được biết đến là một quốc gia thuộc Đông Nam Á như trước kia nữa mà Việt Nam đã hiện diện nhiều hơn, thể hiện vai trò của mình nhiều hơn trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực. Chính Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva cũng đánh giá cao Việt Nam, từ việc đảm đương xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020 – 2021, rồi nỗ lực bảo vệ quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thể hiện vai trò đi đầu và là hình mẫu trong chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ còn cam kết luôn coi trọng và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thúc đẩy các lĩnh vực mà hai bên quan tâm. LHQ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch, thông qua cơ chế COVAX cung cấp vaccine và thuốc điều trị cũng như hỗ trợ phục hồi sau đại dịch. Một lần nữa, có thể thấy cuộc gặp gỡ tiếp xúc với Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva đã rất thành công và để có được thành công này phải nói đến bước đi ngoại giao vô cùng khôn ngoan của Việt Nam.

Khi Việt Nam là một phần không thể tách rời với thế giới thì việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế vừa khẳng định vị thế cao của đất nước vừa mang lợi ích toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đó có thể là giải pháp chung tay đẩy lùi dịch bệnh, khoản đầu tư khổng lồ cứu cánh nền kinh tế, là hoạt động giao thương thuận lợi, là sự tạo điều kiện để bảo tồn, phát triển văn hóa du lịch, là những cơ hội đào tạo hợp tác để nền bóng đá Việt Nam lột xác hơn,…

Dễ thấy, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Chủ tịch nước còn gặp gỡ tiếp xúc với rất nhiều chính khách. Họ đều là thành viên cốt cáng của đất nước Thụy Sỹ. Dù thời gian trao đổi không dài nhưng thông qua đó có thể thấy tầm nhìn đi xây dựng cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Như đã biết, chủ trương từ trước đến nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “bộ phận không thể tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, thế nên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ thân mật đại diện các hội đoàn, tổ chức hữu nghị và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nhiều bang trên đất nước Thụy Sỹ. Mục đích không chỉ là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn mà trên hết chính là mục tiêu kết nối, củng cố tinh thần đoàn kết, hướng về xây dựng Tổ quốc.

Đại sứ Lê Linh Lan chia sẻ: “Chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ tạo xung lực chính trị mạnh mẽ, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác hướng tới tương lai”.

Như vậy, trong chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ từ 25-29/11, Chủ tịch nước, Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự gần 30 hoạt động. Những kết quả to lớn đầu tiên, đó là tạo cơ sở niềm tin thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị của hai nước càng thêm bền chặt, thiết thực và hiệu quả. Trong không khí của những buổi gặp gỡ thân tình, trọng thị, Thụy Sỹ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu Franc Thụy Sỹ vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.

Không chỉ vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin đã cùng chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận trị giá 150 triệu USD về cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho đội tàu bay A320 và A321 sử dụng động cơ CFM56-5B của Vietjet. Đó là bản hợp đồng có giá trị to lớn đối với việc phát triển ngành hàng không của Việt Nam nói chung và của hãng Vietjet nói riêng. Đặc biệt, ngay tại “đại bản doanh” Geneva, WHO cũng đã đưa ra lời cam kết luôn sẵn sàng cùng các đối tác liên quan hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine và chuyển giao công nghệ vaccine m-RNA. Một tín hiệu vui như báo hiệu “mùa xuân” đang sắp tới Việt Nam, mở ra cánh cổng cho vaccine nội vươn ra biển lớn.

Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh: “Như các bạn Thụy Sỹ thường so sánh, nếu coi quan hệ hai nước là một cuộc hôn nhân thì năm 2021 là năm kỷ niệm Vàng. Hướng tới tầm nhìn 20 năm tới khi hai nước kỷ niệm Bạch kim, 70 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào tương lai”.

Nhìn lại, chuyến thăm và làm việc với Thụy Sỹ của Chủ nước nước Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp tục đưa chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Việt Nam. Và quan trọng hơn, vị thế của Việt Nam đã được khẳng định ngay tại “đại bản doanh” Geneva (Thụy Sỹ).

Thực hiện: Đặng Trường

Đồ Họa: M.N