Vị thế hàng đầu Đông Nam Á
Với tiêu đề “Việt Nam đặt mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2030”, trang Vientianetimes (Lào) mới đây đã dành những lời “có cánh” về những kết quả khả quan của du lịch Việt Nam với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, bài viết nhận định, chiến lược quảng bá du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ban hành mới đây sẽ giúp định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á; khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Trang này chỉ rõ, hoạt động tiếp thị, quảng bá du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội mang lại hiệu quả cao, tiếp cận và tương tác rộng rãi với lượng du khách và người theo dõi. Tăng cường giám sát sẽ giúp cải thiện khả năng phát triển xếp hạng của Việt Nam trong các chỉ số liên quan đến tiếp thị và du lịch.
Cùng lúc đó, trang Laophatnanews cũng ấn tượng về doanh thu du lịch Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD trong hai tháng đầu năm nay, đón hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Mặc dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (năm không có dịch Covid-19) nhưng kết quả thu được cho thấy bức tranh khả quan về sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, trang này cho biết Việt Nam đã đưa ra những chiến lược đề cập đến việc cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan đến tiếp thị du lịch theo Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực cạnh tranh về giá và mức độ sẵn sàng CNTT trong dịch vụ du lịch.
Theo chiến lược, đến năm 2025, du lịch Việt Nam dự kiến phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm.
Mục tiêu đến năm 2030, cả nước đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm. Về định hướng thị trường quốc tế, giai đoạn 2022-2025, ngành du lịch đặt mục tiêu khôi phục hoàn toàn các thị trường nước ngoài truyền thống và thu hút khách từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Trung Đông.
Trong giai đoạn 2026-2030, ngành du lịch đặt mục tiêu duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống như các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực Asean, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại Dương, đồng thời gia tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao, như cũng như đa dạng hóa thị trường hướng tới phát triển bền vững.
Hơn nữa, với những chuyển biến mới về chính sách visa, du lịch sẽ sớm trở lại và chắc chắn đạt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay thậm chí có thể là 10 triệu đến 12 triệu lượt khách bởi tiềm năng tại Việt Nam là vô cùng to lớn, thu hút được lượng khách lớn.
Với tình hình hiện tại, Laophattananews khẳng định, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra khi đã có những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Đáng chú ý, Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu “Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á” tại giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác.
Trước đó, cả hai trang Vientianetimes và Laophattananews đều có nhiều bài viết ca ngợi, giới thiệu về văn hóa ẩm thực và một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Tuệ Ngô