+
Aa
-
like
comment

Vị thế đáng tự hào của Việt Nam trên toàn cầu

Lan Hoa - 18/07/2022 11:36

Đó là nhận định xuất hiện trên trang Money Week, tạp chí đầu tư tài chính của Anh mới đăng tải gần đây. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng làm nên vị thế quốc gia của Việt Nam, khiến cả thế giới nể phục chính là sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy Hayat Kimya Việt Nam. Ảnh: Đình Trọng

Mở đầu bài viết, trang Money Week nhận định, bức tranh kinh tế – xã hội tháng 6/2022 của Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực so với tháng trước và nhất là so với tháng 6/2021. Cùng với xu hướng này, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy các kết quả, thành tựu của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đơn cử mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s Global Ratings (S&P) vừa nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc. Đồng thời dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% – 7% từ năm 2023.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới sau COVID-19 đi đôi với ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, việc Việt Nam được một tổ chức hàng đầu thế giới như S&P nâng hạng cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.

Tăng trưởng GDP quý 2/2022 bật tăng lên mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2021.

Đặc biệt hơn, S&P còn đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn mức trung bình các quốc gia có thu nhập tương đồng.

Không chỉ S&P, một tổ chức tín nhiệm khác là AMRO+3 cũng đã đưa ra đánh giá rằng, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng ở mức 6,3% năm 2022 và 6,5% năm 2023. Đây được xem là mức tăng vọt sau khoảng thời gian dài chịu khủng hoảng.

Có thể thấy rằng, trong hơn 2 năm qua, thành tựu kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì tốt mặc cho thế giới chịu khủng hoảng trầm trọng. Đó được xem là thành quả đáng tự hào khi Việt Nam theo đuổi công cuộc Đổi mới suốt hơn 35 năm qua.

Chính từ đây, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao, quy mô nền kinh tế được mở rộng và dịch chuyển theo hướng tích cực, hiện đại, trang Bangkok Post nhận định.

Không chỉ vậy, Bangkok Post đã đặc biệt viết bài khuyến nghị nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam sẽ còn phát triển vượt xa hiện tại.

Trong quý II/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 7,8% do các tập đoàn hàng đầu của thế giới bắt đầu mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Từ đó cho thấy Việt Nam ngày càng có vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế, theo Bangkok Post.

Vừa qua, ngân hàng Standard Chartered (S&C) công bố báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam mang tựa đề “Việt Nam – đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý 2” với nhiều đánh giá đáng chú ý. Theo đó, ngân hàng S&C duy trì dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 dựa trên các cơ sở chắc chắn rằng chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại công ty giầy Ching Luh.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và là quốc gia hiếm hoi duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 và 2021, Việt Nam đang ngày càng được biết đến nhiều hơn là điểm đến an toàn và thích hợp trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Cùng với lợi thế an toàn và yếu tố chính trị ổn định, làn sóng dịch chuyển đầu tư đang tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khu công nghiệp tại Việt Nam.

Tờ Financial Times nhận định rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục phổ biến hơn, thực tế đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam như là “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chắc chắn điều này sẽ trở thành hiện thực trong thời gian sắp tới.

Mới đây, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để nhà đầu tư đến đầu tư với tinh thần tất cả các bên đều chiến thắng.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều