+
Aa
-
like
comment

Vì sao xử cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng vụ thất thoát nghìn tỷ theo luật cũ?

18/09/2019 07:39

Theo lịch, sáng nay (18/9), TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ –TB&XH, cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) và các bị cáo nguyên là cán bộ của BHXH.

vi sao xu cuu thu truong le bach hong vu that thoat nghin ty theo luat cu? hinh anh 1
Ông Lê Bạch Hồng thời gian chưa bị vướng lao lý (ảnh IT).

Đây là vụ án nằm trong số những vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Các bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm gồm: Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cựu TGĐ BHXH Việt Nam), Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng GĐ BHXH Việt Nam), Nguyễn Phước Tường (cựu trưởng ban Kế hoạch – Tài chính, BHXH Việt Nam), Trần Tiến Vỹ (cựu trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp), Hoàng Hà (cựu trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp) và Trần Thanh Thủy (cựu chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tổng hợp).

Trong vụ án này bị cáo Trần Thanh Thủy truy tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Lê Bạch Hồng và các bị cáo còn lại cùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009. Như vậy các bị cáo trong vụ án này sẽ được xử theo Bộ luật Hình sự cũ chứ không phải Bộ luật Hình sự hiện hành.

Lý do, cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng và những người trên bị xét xử nằm trong giai đoạn điều tra giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II – ALC II, xảy ra trong thời gian trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) và đồng phạm. Theo điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội về thi hành Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nhiêm trọng tại điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 1999 để xử lý.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2009, bị cáo Tường cùng Vỹ, Hà lập 14 tờ trình đề nghị Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban cho Công ty ALC II vay vốn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và được phê duyệt. Trong khi ALC II là tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Pháp luật không cho phép ALC II vay vốn của BHXH Việt Nam và cũng không cho phép BHXH Việt Nam cho ALC II vay vốn.

Năm 2011, BHXH Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại ALC II tổng dư nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Việc cho ALC II vay được xác định không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Luật BHXH… Ngày 31/7/2018, TAND TP. HCM tuyên bố ALC II phá sản.

Tính đến thời điểm ALC II bị phá sản, công ty này mới tất toán một hợp đồng ngắn hạn, còn 13 hợp đồng quá hạn với tổng số tiền nợ BHXH Việt Nam là hơn 1.697 tỷ đồng (bao gồm hơn 769 tỷ đồng tiền gốc và hơn 928 tỷ đồng tiền lãi). Số tiền còn nợ này, ALC II không có khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.697 tỷ đồng.

Lê Bạch Hồng bị cáo buộc ký và chỉ đạo thực hiện ba hợp đồng cho ALC II vay vốn, gây thiệt hại 434 tỷ đồng, Nguyễn Huy Ban ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng, khiến thiệt hại hơn 1.260 tỷ.

Lương Kết/Dân Việt

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều