Vì sao vợ chồng Trung Nguyên và VKS không đồng tình bản án ly hôn?
Bản án sơ thẩm tuyên chấp thuận cho vợ chồng “vua cà phê” ly hôn, chia tài sản tỷ lệ 6:4, giao cổ phần trong Trung Nguyên cho ông Vũ nắm giữ và bà Thảo được nhận lại bằng tiền.
Ngày 18/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, theo đơn kháng cáo của bà Thảo, ông Vũ và kháng nghị của VKSND TP.HCM.
Theo đó, sau bản án sơ thẩm, bà Thảo đề nghị hủy án, không đồng ý phán quyết chia tài sản theo tỷ lệ 6:4 và buộc bà giao hết cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ. Ngoài ra, bà Thảo thể hiện mong muốn được đoàn tụ với chồng.
Phía ông Vũ cũng không chấp nhận chia tài sản theo tỷ lệ 6:4, muốn được nhận 70% tài sản với lý do đã đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên.
Bà Thảo nuôi con, ông Vũ cấp dưỡng
Tại phiên tòa hôm 27/3, HĐXX tuyên cho vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi 4 người con, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 đứa con tính từ năm 2013 đến khi chúng trưởng thành.
Ông Vũ có quyền chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên; có quyền yêu cầu tòa thay đổi người nuôi con nếu có đủ điều kiện.
Trước đó, tại các phiên xử hồi tháng 2, bà Thảo từng yêu cầu ông Vũ chi 20% cổ phần Trung Nguyên để hoán đổi tiền cấp dưỡng cho các con. Tuy nhiên, đến khi phiên tòa được mở lại vào tháng 3, bà đồng ý với đề nghị từ phía ông Vũ là quy ra cụ thể bằng tiền.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm giao ông Vũ quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ đồng. Bà Thảo được giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ. Tài sản quy ra tiền tương đương hơn 1.764 tỷ. Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch hơn 1.200 tỷ cho bà Thảo.
Ông Vũ đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên
Về cổ phần tại các công ty, HĐXX sơ thẩm nhận định theo nguyên tắc tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ chồng, công sức đóng góp của mỗi người trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
HĐXX xét thấy ông Vũ và gia đình đã sáng tạo ra thương hiệu cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán nhà bố mẹ và tiền vay mượn. Tập đoàn Trung Nguyên thành lập trên cơ sở HTX cà phê Trung Nguyên. Trong thời gian thành lập đến nay ông Vũ giữ chức danh chủ tịch HĐQT. Những năm sau đó thay đổi tên gọi và bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Về mặt đóng góp là thuộc về ông Vũ và gia đình, điều này cũng phù hợp với những trình bày của ông Vũ tại tòa. Khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên.
Bà Thảo nuôi các cháu ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con. Một mình ông Vũ quản lý Trung Nguyên, ông là ông chủ Trung Nguyên và mang về lợi nhuận cao.
Vì thế, tòa quyết định giao ông Vũ tất cả cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.
Chia tài sản tỷ lệ 6:4
Cấp sơ thẩm cũng phân xử cho ông Vũ nhận 60% tài sản, bà Thảo nhận về 40%. HĐXX nhận định theo nguyên tắc tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, vợ chồng, công sức đóng góp của mỗi người trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
“Quá trình duy trì, phát triển khối tài sản này, ông Vũ luôn là người giữ chức danh chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty. Ngoài ra, khi thành lập các công ty thuộc tập đoàn, số vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn của bà Thảo. Đây chính là căn cứ để đánh giá công sức của ai nhiều hơn trong việc hình thành khối tài sản chung của vợ chồng”, quan điểm của HĐXX nêu.
Bên cạnh đó, tòa cho rằng việc chia tài sản trong hôn nhân phải đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh.
Căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên những năm qua đều duy trì phát triển ở mức 650 tỷ đồng trở lên mặc dù ảnh hưởng vụ kiện cáo. Tòa xét thấy phải chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức đóng góp của bà Thảo. Do đó, tòa chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.
Bà Thảo được nhận 40% tài sản nhưng phải giao cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ và ông sẽ thanh toán lại cho bà bằng tiền. 1.764 tỷ trong tài khoản bà Thảo – theo xác minh hiện chỉ còn hơn 1,3 tỷ – được xem là tài sản chung nên sẽ được cấn trừ. Tổng cộng bà chủ King’s Coffee được nhận từ ông Vũ hơn 1.200 tỷ.
Nhầm án phí kỷ lục
Một điều gây xôn xao sau phiên tòa sơ thẩm là việc chủ tọa phiên tòa đọc nhầm án phí.
Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân công bố án phí mà vợ chồng “vua cà phê” phải nộp lên đến con số hơn 80 tỷ đồng. Cụ thể, bà Thảo phải chịu án phí ly hôn 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản 34,2 tỷ đồng; ông Vũ phải đóng 48,7 tỷ án phí tài sản.
Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, tòa thông báo bà Thảo phải nộp thêm 32,6 tỷ, ông Vũ phải nộp hơn 47,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó thẩm phán Xuân xác nhận đọc nhầm. Khi ban hành bản án sơ thẩm, tòa đã đính chính thành con số chính xác.
Theo đó, án phí bà Thảo phải nộp sau khi được đính chính là 3,4 tỷ đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà đã nộp trước đó là hơn 1 tỷ đồng. Do vậy, số tiền án phí mà nguyên đơn phải nộp thêm là 2,3 tỷ.
Án phí ông Vũ phải nộp sau khi đính chính là 4,97 tỷ, được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp trước đó là 1,31 tỷ. Do đó, số tiền án phí mà ông Vũ phải nộp thêm là 3,66 tỷ.
Tuy nhiên, khi bản án sơ thẩm bị kháng cáo, ông Vũ và bà Thảo chưa phải nộp án phí vì bản án chưa có hiệu lực. Khi nào bản án có hiệu lực mới chuyển sang thi hành án để thực hiện.
Hoài Thanh/ Zing News