+
Aa
-
like
comment

Vì sao Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”

30/10/2019 11:24

“30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản “hóa rồng, hóa hổ” nhưng 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp”, đại biểu Hoàng Quang Hàm chỉ ra.

Người dân nghèo tại tỉnh Tây Ninh
Người dân nghèo tại tỉnh Tây Ninh

Sáng 30-10, thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) đánh giá kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”. Theo ông Hàm, để tìm được căn nguyên chúng ta cần nhìn lại cả quá trình phát triển.

Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến năm 2018, Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD.

Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD.

“Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn” – ông Hàm phân tích.

Theo vị đại biểu tỉnh Phú Thọ, 30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản “hóa rồng, hóa hổ” nhưng 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

“Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chưa đột phá thành công các vẫn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”, ông Hàm chỉ ra.

Trong điều kiện thế giới và khu vực nhiều biến động, khó lường, theo ông Hàm, giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

ảnh 1
Đại biểu Hoàng Quang Hàm thảo luận trước Quốc hội

Đại biểu đoàn Phú Thọ chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực, thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu đó là: Trình độ lao động; Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; và khởi nghiệp sáng tạo.

“Ba vấn đề không mới, đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện”, ông Hàm nói.

Đề cập vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, tình trạng “có tiền không tiêu được” xu hướng gia tăng, theo ông Hàm, việc đầu tiên là phải khắc phục yếu kém trong công tác lập, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư.

“Cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

(Theo ANTĐ)

Bài mới
Đọc nhiều