+
Aa
-
like
comment

Vì sao Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc nhưng định hướng xuất khẩu điện sang Singapore?

Bích Vân - 28/08/2023 15:00

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long, về lĩnh vực năng lượng, đây được là trụ cột hợp tác mới rất quan trọng được bổ sung trong Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore. Hai bên đã trao đổi sơ bộ về khả năng hợp tác về năng lượng tái tạo để có thể bán điện sang Singapore từ các dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam

Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người đặt ra rằng: “Vì sao Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc nhưng định hướng xuất khẩu điện sang Singapore?”. Thực chất, việc Việt Nam đứng đầu ASEAN trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thậm chí đang khảo sát dự án để xuất khẩu điện sang Singapore nhưng hiện vẫn duy trì một tỷ lệ nhất định điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc nhiều ý kiến tỏ ra còn băn khoăn.

Làm rõ vấn đề này, cần hiểu rõ ba yếu tố, thứ nhất giá bán điện, thứ hai là nguồn phát điện và tính ổn định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón, hội đàm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất thấp trong mùa cao điểm

Theo lý giải của EVN dù Việt Nam đứng đầu ASEAN về năng lượng tái tạo nhưng một số thời điểm thời tiết biến động, không huy động được nhiều điện. Do vậy, EVN phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc để đảm bảo cung ứng cho mùa cao điểm.

EVN cũng cho biết sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, chưa tới 1,3% sản lượng toàn quốc; việc nhập khẩu cũng thực hiện từ lâu chứ không phải tới nay mới nhập.

“Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, văn bản của EVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay.

Ngược lại, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật, để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc – Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

Cũng theo thông tin từ EVN, giá điện nhập khẩu hiện thấp hơn mua trong nước, với Lào chủ yếu là nguồn thủy điện. Giá mua điện từ Trung Quốc khoảng 1.540 đồng một kWh; còn Lào là 6,9 cent một kWh, tương đương 1.632 đồng một kWh.

Giá mua điện bình quân các loại hình nguồn điện trong ba tháng đầu năm 2023 là 1.844,9 đồng/kWh. Cụ thể, giá mua của thủy điện 1.128 đồng/kWh, điện than 2.100 đồng/kWh, điện gió 2.086 đồng/kWh, điện mặt trời 2.046 đồng/kWh. Nếu cộng thêm các chi phí khác như phân phối, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, điều độ…, giá điện mua vào sẽ cao hơn giá bán ra, EVN cho biết.

Nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng lớn
Về dự án xuất khẩu điện, nguyên nhân đầu tiên là do giá điện ở Singapore hiện cao hơn rất nhiều so với giá điện của Việt Nam.

Ngoài yếu tố về giá, yếu tố quan trọng hơn cả là để đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu 30% nhu cầu điện năng vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch cũng như đưa ra lộ trình đánh thuế carbon lũy tiến tăng dần, từ S$5/tCO2e (tấn CO2 quy đổi) hiện nay lên $25/tCO2e vào 2024 – 2025, $45/tCO2e vào 2026 – 2027, tiến tới mức $50-80/tCO2e vào 2030.

Hiện nay các nước, các doanh nghiệp đều có nhu cầu về năng lượng xanh (như trường hợp của LEGO khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam) và chỉ có năng lượng xanh mới giải quyết được bài toán tín chỉ carbon.

Trong khi đó, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW).

Vì vậy, việc xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.

Theo ước tính, Việt Nam có thể cung cấp 4.000MW điện cho Singapore thông qua việc đầu tư, xây dựng đường dây truyền tải điện Việt Nam – Singapore trên Biển Đông.

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore.

Hai yếu tố Việt Nam hưởng lợi nếu xuất khẩu điện tái tạo

Trước đó, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) từng cho hay, nếu Việt Nam muốn hạ thấp giá ban đầu của điện gió ngoài khơi thì cần hợp tác với các đối tác từ các quốc gia phát triển như Singapore.

Nguyên nhân là do chi phí để đầu tư một trụ điện gió ngoài khơi rất lớn, thời gian kéo dài mà chỉ các tập đoàn quốc tế có tiềm lực cả về tài chính và công nghệ mới thực hiện được.

Khi có thêm nhiều dự án được triển khai tại Việt Nam thì PTSC và các doanh nghiệp Việt Nam khác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng hay doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng trong nước cũng được hưởng lợi.

Đồng thời, việc có nhiều dự án được đưa vào vận hành sẽ giúp hạ giá điện, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà Quy hoạch điện VIII đề ra.

Ông Mark Hutchinson cũng lưu ý, để thực hiện những dự án này cần có quyết tâm chính trị cùng văn hoá chấp nhận rủi ro. “Để có những khuôn khổ pháp luật hoàn hảo, ưu việt thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian vì vậy trong thời gian xây dựng các văn bản này cần cố gắng tìm ra các giải pháp trong khuôn khổ pháp luật hiện tại”, ông Mark nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cũng đánh giá, việc các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu rất tốt bởi đây là những dự án có quy mô hàng tỷ USD hoặc hàng chục tỷ USD cho nên không thể thiếu các tập đoàn hàng đầu thế giới với tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

“Phải có những ‘tay chơi’ lớn chấp nhận chi tiền đầu tư thì mới thành công được”, ông Cường nói.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường. (Ảnh: VGP).

Tổng Giám đốc PTSC cũng nhấn mạnh, nguồn lực là hữu hạn nên nếu chúng ta không có những dự án khả thi cho họ thì họ sẽ đến quốc gia khác đầu tư. Dầu khí là tài nguyên hữu hạn nhưng gió là tài nguyên vô hạn. Vì vậy, chậm một ngày là thiệt một ngày nên cần nhanh hơn nữa trong việc triển khai các dự án về năng lượng.

Ông Cường cũng cho biết thêm, một dự án điện gió ngoài khơi tối thiểu phải triển khai từ 6-8 năm nên nếu muốn năm 2030 có 6 GWh điện gió thì cần bắt đầu từ bây giờ. Muốn có tốc độ thì phải có cơ chế rõ ràng, việc gì trước thì cần làm ngay.

Theo ông Cường PTSC đã cùng đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) khảo sát dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sang Singapore. Đây là một dự án đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và các đơn vị có liên quan.

“Nếu làm được điều này sẽ mở ra hướng đi rất mới cho tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi vô cùng lớn của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không khẩn trương lên thì khó có thể nắm bắt cơ hội”, Tổng Giám đốc PTSC cho hay.

Theo ông Cường, PTSC hoàn toàn có đủ trang thiết bị để tự khảo sát dự án. Hiện PTSC đã nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và hy vọng sẽ sớm được cấp giấy phép khảo sát các dự án mà PTSC đang tham gia cùng các đối tác, tiến tới thực hiện các nhiệm vụ khác mà các cấp lãnh đạo giao.

Bích Vân
Bài mới
Đọc nhiều