Vì sao Việt Nam miễn phí điều trị Covid-19?
Tại Việt Nam, chi phí điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở bệnh viện được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi những người cách ly cũng được cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày.
Ở nhiều quốc gia, người bệnh mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) phải tự chi trả những chi phí điều trị rất đắt đỏ trong quá trình điều trị. Đơn cử như ở TP Denver (Mỹ), một phụ nữ có dấu hiệu bị cúm khi xét nghiệm virus corona và phải trả hóa đơn 4.500 USD, trong khi đó Singapore miễn phí xét nghiệm nhưng thu tiền điều trị của người nước ngoài từ 4.300-5.800 USD.
Nói về chi phí điều trị cho bệnh nhân được xác định nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết tại Việt Nam, những người bệnh được xác định mắc Covid-19 sẽ được điều trị miễn phí. Điều này được quy định tại Quyết định công bố dịch do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 1-2-2020, Thủ tướng xác định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người. Với những trường hợp người bệnh thuộc diện nghi ngờ nhiễm Covid-19, nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, người bệnh sẽ được thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định.
Về phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, cho biết quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho những người đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus SARS-Cov-2. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.
Về các chế độ, quản lý, kinh phí đối với người bị cách ly y tế, Thông tư 32/2012 của Bộ Tài chính quy định: Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày bị cách ly; miễn phí di chuyển đến cơ sở bị cách ly.
Đối với chế độ ăn uống, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly.
Tuy nhiên, thời gian qua hầu hết các địa phương và khu cách ly tập trung như quân đội, công an… dùng nguồn ngân sách của địa phương hoặc đơn vị để chi trả chi phí tiền ăn đối với các trường hợp bị cách ly y tế nhằm tạo điều kiện cho người bị cách ly y tế.
Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết Bộ Y tế đã trình Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian chờ Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trên cơ sở công văn đề nghị của Bộ Y tế, Sở Y tế và Sở Tài chính TP Hà Nội đề xuất thành phố hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung không quá 80.000 đồng/ngày/người, áp dụng cho cả người Việt Nam và người nước ngoài.
N.Dung/NLD