Vì sao Việt Nam không thể phát tiền cho người dân như Mỹ?
Theo Kinh tế trưởng của VEPR, chính sách của Việt Nam lúc này chỉ nên dừng ở mức hỗ trợ thanh khoản và giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.
Thượng viện Mỹ hôm 25/3 đã công bố gói cứu trợ lớn chưa từng có trị giá 2.000 tỷ USD để nền kinh tế Mỹ có thể đối phó với đại dịch Covid-19.
Một trong những trọng tâm của gói hỗ trợ này là phát tiền cho người dân, với kỳ vọng có thể giúp cho các hộ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, cho đến khi đà lây lan của virus chậm lại và những nhà máy, công sở có thể mở cửa trở lại.
Theo đó, số tiền 1.200 USD sẽ được phát cho mỗi cá nhân hoặc 2.400 USD cho các cặp vợ chồng. Trẻ em được nhận thêm 500 USD. Thời gian nhận được có thể là trong vòng 3 tuần tới.
Khoản viện trợ này sẽ giảm dần ở những cá nhân có thu nhập trên 75.000 USD và các cặp vợ chồng có thu nhập trên 150.000 USD/năm. Những người có thu nhập trên 99.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng thu nhập trên 198.000 USD/năm sẽ không được nhận trợ cấp.
Theo Kinh tế trưởng của VEPR, chính sách của Việt Nam lúc này chỉ nên dừng ở mức hỗ trợ thanh khoản và giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.Ngoài Mỹ, chính phủ Anh cũng hé lộ việc sẽ chi trả cho những người làm việc tự do một khoản trợ cấp 80% thu nhập trung bình hàng tháng, lên tới 2.500 bảng Anh (3000 USD mỗi tháng) trong 3 tháng tới.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các công ty có 5 nhân viên trở xuống sẽ đủ điều kiện nhận gói trợ cấp 1 lần trị giá 9.000 euro (9.900 USD) trong khi những doanh nghiệp có 10 nhân viên sẽ nhận 15.000 euro. Chính phủ cũng bổ sung thêm 3 tỷ euro vào quỹ bảo đảm an ninh phúc lợi xã hội cho những người làm việc tự do.
Tại Pháp, những doanh nghiệp nhỏ và người làm tự do kiếm được ít hơn 60.000 euro một năm có thể nộp đơn xin trợ cấp 1.500 euro nếu họ buộc phải đóng cửa kinh doanh hay doanh thu giảm hơn 70% so với tháng trước đó.
Chính phủ Pháp cũng sẽ trả 84% lương cho bất kỳ nhân viên nào bị cho nghỉ việc tạm thời, lên tới 5.330 euro mỗi tháng thay vì 1.219 euro theo kế hoạch trước đó.
Đây là khoản trợ cấp cực kỳ có ý nghĩa đối với hàng triệu người không làm việc toàn thời gian hoặc tự doanh như lái xe taxi, nhân viên giao đồ ăn, công nhân xây dựng, chủ nhà hàng, quán cà phê. Tất cả họ đều không thể có thu nhập khi chính phủ phong tỏa cả nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Trong cơn bão đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động xấu. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng “ngủ đông”, người lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm. Nhưng liệu Việt Nam có thể áp dụng chính sách mạnh tay, tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân như Mỹ, Anh và các nước châu Âu?
Trả lời câu hỏi, PGS.TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tỷ trọng tiêu dùng – tiết kiệm trong tổng thu nhập của các hộ gia đình của người dân Việt Nam rất khác so với các nước phát triển. Do vậy, ngoài lý do nguồn lực ngân sách hạn hẹp, thì không thể dùng các chính sách mạnh tay như tặng tiền mặt cho người dân để chi tiêu.
“Chính sách của Việt Nam lúc này chỉ nên dừng ở mức hỗ trợ thanh khoản và giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, trợ giúp người lao động mất việc bao gồm cả những người nằm ngoài khu vực chính thức” – Ông Phạm Thế Anh nói.
Cũng theo chuyên gia này, tùy thuộc vào diễn biến kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch mà Chính phủ Việt Nam nên đưa ra các gói hỗ trợ hay cứu trợ sao cho phù hợp. Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay không phải là do thiếu tiền để đầu tư mà là do đầu ra bị đứt gãy, lượng tiền/thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào nên chưa cần phải bơm tiền mạnh như các nước khác.
Mặt khác, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ và rất mở, vấn đề tỷ giá cũng rất quan trọng. Việc bơm tiền ào ạt như các nền kinh tế lớn như Mỹ hay EU không chỉ dẫn tới lạm phát mà còn là sự mất giá mạnh của nội tệ. Hậu quả có thể là sự tháo chạy của vốn nước ngoài khiến tình hình còn nghiêm trọng hơn. Khi đó rất có thể sẽ xảy ra khủng hoảng kép.
Theo ông Phạm Thế Anh, lúc này, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Một mặt, đầu tư công giải quyết đúng nhu cầu của nền kinh tế là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt khác nó diễn ra đúng thời điểm nền kinh tế đang cần.
Trong lúc cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và dân cư đang giảm sút do dịch bệnh, nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Việc này sẽ tạo ra thu nhập cho nền kinh tế, kéo chi tiêu của nền kinh tế lên.
“Tuy nhiên, đầu tư công phải đúng mục đích và tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt. Đặc biệt là phải có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc sau này”- Chuyên gia nhấn mạnh.
(Theo TTT)