+
Aa
-
like
comment

Cái lý của Việt Nam khi không chỉ mặt đặt tên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trước Liên Hợp Quốc

Minh Thư - 01/10/2019 09:34

Hôm 28/09, tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững”. Trong bài phát biểu Phó Thủ tướng đã đề cập sâu sắc đến vấn đề đến vấn đề Biển Đông, tuy nhiên, một số trang tin, cá nhân có ý kiến xuyên tạc rằng “Phó Thủ tướng không chỉ đích danh đối với Trung Quốc”; “Việt Nam lo sợ Trung Quốc”, hay “Việt Nam đang để Biển Đông vào tay Trung Quốc”…

pbm2

Trên thực tế, việc phản đối bằng con đường ngoại giao, hòa bình cần dựa trên nguyên tắc, chứ không phải chỉ mặt đặt tên Trung Quốc ra trước hàng trăm quốc gia thành viên mới gọi là “dũng cảm”.

Việt Nam không chỉ đích danh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của ta, bản thân Trung Quốc cũng đủ sự khôn ngoan để nhận thức việc Việt Nam lên án những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của họ thời gian qua trên Biển Đông. Những ai chú ý theo dõi những đoạn quay quá trình Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu sẽ thấy đại diện cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã cúi mặt và không bộc lộ bất cứ điều gì trước những lời lẽ của đại diện đến từ Việt Nam. Điều đó cũng đã thay lời muốn nói về tính chính nghĩa của chúng ta và đó cũng là lợi thế chúng ta có được trong giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Nó cũng là một động thái cho thấy Việt Nam đã không khoan nhượng với những hành vi ỷ mạnh hiệp yếu, ngang ngược của đất nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông này.

Hiện nay các tranh chấp, xung đột trên Biển Đông là vấn đề diễn ra giữa nhiều quốc gia trong đó có: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Chỉ đích danh Trung Quốc, các nước khác ngư ông đắc lợi thì cũng hỏng. Vậy nên tuyên bố các quốc gia liên quan của ông Phó Thủ tướng nó thể hiện cái tầm của lãnh đạo, nhìn sâu rộng. Đây là bài phát biểu mang tính cô đọng, chiến lược, vị thế của Việt Nam. Động thái trên từ cơ quan ngoại giao VN là hết sức đáng hoan nghênh bởi đây là lần đầu tiên chúng ta đưa vấn đề Biển Đông ra Quốc tế một cách đúng nghĩa và tại một diễn đàn có đầy đủ các thành viên của Liên Hợp Quốc.

Nên nhớ, tại phiên họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cuối tháng 7 vừa qua, chính Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ thẳng tên nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam và kêu gọi các quốc gia trong khu vực đoàn kết giữ hòa bình trong khu vực. Trước đó Trung Quốc đưa vũ khí ra Hoàng Sa, Việt Nam đã gửi công hàm tới Liên Hợp quốc phản đối. Tức Việt Nam hoàn toàn không hề tránh né chỉ mặt đặt tên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Thành ra chuyện lợi hại trong chuyện này không phải là ai dám nói ra mà nên nói và không nên nói khi nào là đúng thời điểm.

Đúng như câu “không dễ gì làm dâu trăm họ”, bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rõ ràng là thế; và dù không đích danh chỉ mặt Trung Quốc nhưng nó đã có sức tố cáo ghê gớm tại một diễn đàn quốc tế, nơi mà VN dù là thành viên không chính thức của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhưng cần thể hiện sự thiện chí để nhận được sự đồng thuận của cộng đồng Quốc tế.

Gần đây, trong hầu hết các hoạt động ngoại giao của Việt Nam từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Quốc hội… tới các nước đều nêu vấn đề Biển Đông và hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ra và đề nghị đối tác ủng hộ Việt Nam, công khai lên án Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp hoặc chí ít họ cũng phải đồng tình với lập trường của Việt Nam. Như vậy có thể nói rằng Việt Nam đã “tổng tấn công” trên mặt trận ngoại giao, không ngại gì chuyện “chỉ mặt đặt tên” kẻ xâm phạm chủ quyền. Thậm chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sang hội chợ thương mại của Trung Quốc cũng “tranh thủ” lên án nước bạn dừng việc xâm phạm chủ quyền. Trong các thư chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc 01/10, từ Tổng Bí thư tới Bộ trưởng ngoại giao cũng đều cài “thông điệp” đề nghị Trung Quốc “kiểm soát xung đột” trên biển.

Chứng kiến hành động kiên quyết trên thực địa, tổng tấn công Trung Quốc trên lĩnh vực ngoại giao và truyền thông, đến ngay cả những chuyên gia thế giới cũng phải thừa nhận “Việt Nam là nước mạnh mẽ nhất trong đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền so với các quốc gia trong khu vực”. Do vậy, mọi lập luận kiểu “đâm bị thóc, chọc bị gạo” như một số đối tượng đội lốt “đấu tranh dân chủ” hay “yêu nước” trên mạng nêu trên cho thấy động cơ đen tối, không thực sự vì lợi ích dân tộc Việt Nam.

Minh Thư (TH)

Bài mới
Đọc nhiều