+
Aa
-
like
comment

Vì sao Việt Nam giữ thái độ giằng co với một sáng kiến về kinh tế?

Huy Hoàng - 31/05/2022 10:52

Tham gia buổi lễ khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) do Mỹ khởi xướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Việt Nam đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, sẽ cùng các nước ASEAN và đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF”. Từ nội hàm đã được Thủ Tướng nhắc tới, cho thấy Việt Nam đang rất quan tâm, song cũng rất thận trọng với sáng kiến kinh tế của Mỹ. Vì sao Việt Nam giữ thái độ giằng co với một sáng kiến về kinh tế như vậy?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu theo hình thức trực tuyến tại lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng

Trong phát biểu sau cuộc họp với các đối tác liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những trụ cột của sáng kiến kinh tế IPEF cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác. Do đó, Việt Nam sẵn sàng cùng phía Mỹ, các đối tác trao đổi để làm rõ nội hàm cụ thể, các công việc, lộ trình, bước đi… trong khuôn khổ. Và trong đó, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những nội dung phục vụ cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, đặc biệt là vì lợi ích nhân dân các nước.

Có thể thấy, trong nội dung trên, những từ khóa như “nội hàm của sáng kiến”, “hòa bình trong khu vực” đã được đề cập, nêu rất rõ. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang rất thận trọng, để đảm bảo khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ đề ra chỉ nói về vấn đề kinh tế.

Trước đó, trong cùng ngày Việt Nam và các nước ASEAN khác tham gia thảo luận về khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thì cũng tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng sẵn sàng “dùng vũ lực” với Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan. Và để đáp trả phát ngôn đầy căng thẳng này, Trung Quốc đã tập trận quy mô lớn sát biên giới Đài Loan. Người phát ngôn Quân đội Trung Quốc nói rằng, cuộc tập trận lần này là “lời cảnh báo nghiêm khắc” đối với các hành động của Mỹ, và với các lực lượng có ý định tìm kiếm độc lập cho Đài Loan. Với những căng thẳng đang sắp tới hồi đỉnh điểm giữa hai cường quốc quân sự như trên, người ta sẽ không khỏi đặt nghi vấn, liệu rằng IPEF có thật sự chỉ nói về kinh tế?

Trung Quốc tập trận trên biển Đông

Chưa kể, cuộc chiến kinh tế Mỹ – Trung vẫn đang diễn ra. Trong đó, Trung Quốc thì phong tỏa các cứ điểm sản xuất, hàng hóa không xuất khẩu được, đã làm cho tình trạng khan hàng ở Mỹ đẩy chỉ số lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED). Và để ghìm cương lạm phát, FED đã lên kế hoạch nâng lãi suất nhiều lần, mỗi lần lãi suất tăng thì dòng tiền đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc lại một lần tháo chạy khỏi thị trường này, gián tiếp giáng một đòn suy thoái vào nền kinh tế tỷ dân. Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung thời Cựu Tổng thống Donald Trump là thuế quan, thì thời đương kim Tổng thống Joe Biden chính là các chính sách thắt chặt, phong tỏa. Từ đây không khó để thấy được, bất kể thứ gì, miễn là có thể dùng, cũng đều có thể trở thành lá bài để hai quốc gia này đáp trả nhau. Nên với cuộc chiến kinh tế giữa hai nước lớn như trên, càng đáng để chúng ta nêu vấn đề, liệu rằng khuôn khổ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có tạo cơ hội cho Mỹ dùng ASEAN như một con cờ để đấu với Trung Quốc hay không?

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) công bố ý tưởng về IPEF tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức trực tuyến hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: AP

Trước đây, Mỹ cũng đã có một sáng kiến tương tự như IPEF, tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cựu Tổng thống Barack Obama đề xướng và được Đảng Dân Chủ Mỹ ủng hộ. TPP cũng là nhằm củng cố sức ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á. Chính quyền của ông Obama khi đó rất hi vọng việc TPP ra đời sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và 11 quốc gia khác tại khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên Mỹ đã rút khỏi TPP sau khi Cựu Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền, lý do của việc này là để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Việt Nam được cho là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP do thuế quan của một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ khi vào thị trường Mỹ. Cũng vì thế mà IPEF hiện nay rất hấp dẫn với Việt Nam.

Song, việc thận trọng là rất cần thiết, vì IPEF là một sáng kiến kinh tế do Mỹ đề ra, các nước ASEAN không phải muốn sửa theo ý mình. Bề ngoài sáng kiến này được dư luận xem như một giải pháp thay thế cho TPP. Nhưng bên trong, IPEF đang tạo ra một kẻ hỡ cho Mỹ điều chỉnh sáng kiến này theo hướng có lợi cho mình. Nguy cơ xung đột kinh tế và chính trị với Trung Quốc rất cao nếu ASEAN không nắm quyền làm chủ khuôn khổ này. Vì thế, vào chiều 26/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, sự kiện vừa qua mới chỉ là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận, việc tham gia khuôn khổ phụ thuộc vào kết quả quá trình thảo luận. Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, chỉ tập trung vào 4 trụ cột: Thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi cacbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.

Mỹ hay Trung Quốc tìm đến Việt Nam và ASEAN cũng đều là vì lợi ích của mình. Họ cần nhân lực sản xuất, đất đai, tài nguyên từ trên đất cho đến dưới biển, ASEAN đều có thể hợp tác cùng hai gã khổng lồ khai thác những thứ đó. Nếu ASEAN cần công nghệ của Mỹ và Trung để vực dậy nền kinh tế, thì Mỹ Trung cũng cần những tài nguyên ở khu vực này để chạy đua công nghệ với nhau. Do vậy, ASEAN không cần phải đánh đổi an ninh để “bán rẻ bản thân”.

Nếu IPEF có tiềm ẩn nguy cơ trong đó, ASEAN giờ đây hoàn toàn có quyền để từ chối. Mỹ muốn ASEAN hợp tác, thì tất yếu phải chịu khó lắng nghe. Thận trọng tham gia IPEF sẽ làm Trung Quốc theo đó mà tránh xem ASEAN như một mối đe dọa mới sau Đài Loan. Nhất là với Việt Nam ta thì lại càng phải đề phòng hơn, vì Mỹ thì ở xa, còn Trung Quốc thì nằm ngay sát cửa nhà.

Với ASEAN, thị trường Mỹ tiềm năng ra sao thì thị trường Trung Quốc quan trọng bấy nhiêu. Miễn là ASEAN giữ được mối quan hệ với gã cường quốc này ở mức độ hợp tác thì sáng kiến IPEF sẽ mang lại lợi ích to lớn. Các nước ASEAN đang trong thời kỳ trỗi dậy, vì thế rất cần khu vực giữa được hòa bình ổn định, nên miễn là tránh tình cảnh đối đầu, tranh thủ thời cơ phát triển, thì không chỉ Việt Nam mà cả Đông Nam Á sẽ vươn mình.

Huy Hoàng

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều