+
Aa
-
like
comment

Vì sao Việt Nam đã thành công trong ‘ngoại giao vắc xin’?

12/01/2022 15:14

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bị chính trị hóa cao độ, công cuộc huy động vắc xin của Việt Nam có được thành công nhờ chính sách ngoại giao đa phương khéo léo, đưa đất nước từ chỗ ‘đi sau’ thành ‘về trước’ trong tiến trình phủ vắc xin toàn quốc.

TS Đặng Xuân Thanh, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc – Ảnh: XUẦN TÙNG

Đó là nhận định của đại tá Lê Thế Mẫu – nhà bình luận quốc tế của Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng – trong khuôn khổ Diễn đàn thế giới thường niên chủ đề “Cuộc chạy đua vaccine COVID-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia” được Viện hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức ngày 12-1.

Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia chính sách và chính trị quốc tế đầu ngành nhằm thảo luận, trao đổi các vấn đề về tác động vai trò của vắc xin COVID-19 đến quan hệ quốc tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam giữa bối cảnh đại địch.

Mở đầu diễn đàn, TS Đặng Xuân Thanh – phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới không chỉ hứng chịu bất ổn từ đại dịch COVID-19 mà còn đương đầu với cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt Mỹ – Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, dịch COVID-19 bị chính trị hóa cao độ và vắc xin cùng các hỗ trợ vật tư y tế, công nghệ sản xuất thuốc trở thành công cụ để các siêu cường mở rộng tầm ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, sự cạnh tranh của các nước về ngoại giao vắc xin cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam, khi bất kỳ sự gia tăng nguồn cung vắc xin nào cũng là cơ hội cứu sống nhiều người.

Theo đại tá Lê Thế Mẫu, trong lúc mã gene của virus SARS-CoV-2 biển đổi khó lường, tình hình cạnh tranh quyền lực của các nước lớn cũng có thể được coi là biến thể của một cuộc chiến, trong đó các nước phát triển như Việt Nam cần có bản lĩnh nhất định để chung sống với các siêu cường.

Bình luận về chủ đề triển khai vắc xin, TS Nguyễn Phúc Thái – Viện Y học dự phòng quân đội – hoan nghênh các điều chỉnh chính sách linh hoạt theo thực tiễn đã giải quyết nhiều áp lực mà các y bác sĩ gặp phải trong giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng, giúp tăng độ phủ vắc xin mà vẫn đảm bảo an toàn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là 1 trong 6 quốc gia có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới, với hơn 90% dân số đã tiêm mũi 2.

TS Nguyễn Mạnh Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội trong cuộc chơi sản xuất vắc xin của thế giới – Ảnh: XUÂN TÙNG

Đề cập đến vấn đề vắc xin do Việt Nam sản xuất, TS Nguyễn Mạnh Tiến – phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – khẳng định các cơ sở trong nước có cơ hội trong đầu tư sản xuất vắc xin của thế giới, tuy nhiên các đơn vị đang gặp nhiều cản trở bởi hàng rào quy định chưa được tháo gỡ.

Theo đó, Việt Nam dành ngân sách tương đương 2% GDP hằng năm cho ngành y tế, đặc biệt các hạng mục nghiên cứu khoa học, tuy nhiên con số này thường không được giải ngân hết. Theo TS Tiến, các chính sách tháo gỡ cơ chế, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đang được Quốc hội khóa XV xem xét.

Ông cũng chỉ ra truyền thống và nền tảng nghiên cứu vắc xin sẵn có của Việt Nam, đồng thời đặt niềm tin vào thành công của vắc xin sản xuất trong nước trong thời gian tới, tạo tiền đề cho “chiến lược thuốc” góp phần đưa COVID-19 trở thành một dịch cúm mùa có ảnh hưởng thấp tại Việt Nam trong tương lai không xa.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều