Vì sao Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí không có cảnh vệ?
Mới đây, Bộ Công an đề xuất bổ sung ba trường hợp được cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao. Tuy nhiên hiện nay, Thường trực Ban bí thư là bà Trương Thị Mai và Chán án TAND Tối cáo Nguyễn Hòa Bình đều đã có cảnh vệ. Vậy tại sao Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí lại không có cảnh vệ?
Được biết, Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trong hai tháng, từ 19/4. Trong đó, có đề xuất bổ sung người giữ chức danh Thường trực Ban Bí thư thuộc diện được cảnh vệ. Như dự thảo ra tháng 10/2022, bản lần này tiếp tục đề xuất hai trường hợp cảnh vệ là Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.
Mặc dù đề xuất là như vậy nhưng thực tế hiện nay, Thường trực Ban bí thư là bà Trương Thị Mai và Chán án TAND Tối cáo Nguyễn Hòa Bình đều đã có cảnh vệ. Đó là vì căn cứ vào Điều 10 Luật Cảnh vệ cho phép 37 cán bộ thuộc trường hợp được cảnh vệ là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng và các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng. Hiện nay bà Trương Thị Mai và ông Nguyễn Hòa Bình đều là ủy viên Bộ Chính trị nên thuộc trường hợp có cảnh vệ.
Việc bổ sung đối tượng cảnh vệ được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Bởi vì đặc thù công việc của những vị trí cán bộ được đề xuất có liên quan đến quyền sống, quyền tự do của con người; đến an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, do đó có tính rủi ro nguy hiểm cao cần được bảo vệ. Đặc biệt, trong bối cảnh chính trị thế giới rối ren, các nước lớn có xu hướng tìm đến Việt Nam là nơi trung gian để đàm phán và đặc biệt đánh giá rất cao với nền chính trị ổn định, tình hình an toàn về trật tự xã hội. Chính vì vậy, đây có thể xem là một bước phòng ngừa do yêu cầu an ninh chính trị trong tình hình mới thì việc bảo vệ các đối tượng này là cần thiết. Đồng thời, tạo sự minh bạch, sự thống nhất trong cách hiểu, nhìn nhận của các cơ quan, tổ chức, người dân trong việc thực hiện chế độ dành cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Ra đời từ năm 1953, 70 năm qua lực lượng Cảnh vệ vẫn luôn xứng đáng là lá chắn thép vững chắc bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh đạo đất nước. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, lực lượng Cảnh vệ đã chủ trì bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hoạt động của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ở trong, ngoài nước, các sự kiện cấp quốc gia, Hội nghị mang tầm cỡ quốc tế, các đoàn khách quốc tế và nguyên thủ các nước thăm, làm việc ở nước ta, các mục tiêu trọng yếu, khu làm việc của Trung ương; đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện cấp quốc gia, hội nghị quốc tế lớn, như các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Năm APEC (2006, 2017), Năm ASEAN (2010, 2020), Đại Hội đồng liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU – 132), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2… không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh vệ CAND luôn chú trọng, mở rộng hợp tác với các cơ quan an ninh, cảnh vệ các nước, nhất là các nước có mối quan hệ hợp tác truyền thống, các nước có công tác cảnh vệ phát triển hiện đại để trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, huấn luyện kỹ năng, chiến thuật trong công tác cảnh vệ.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, trở ngại và thách thức sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Tư tưởng cực đoan, dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa cường quyền là yếu tố gây bất ổn của khu vực và thế giới. Chính vì thế, áp lực lên vai những chiến sĩ cảnh vệ là rất lớn. Từ đó để thấy, đằng sau mỗi cuộc thăm viếng thành công của lãnh đạo thế giới tại Việt Nam là đóng góp thầm lặng của lực lượng cảnh vệ Việt Nam.
Công Luân