+
Aa
-
like
comment

Vì sao vàng miếng SJC khó mua, nữ trang bán lén lút?

Bích Ngân - 21/06/2024 10:32

Các doanh nghiệp và ngân hàng không nằm trong hệ thống bán vàng can thiệp thị trường chỉ công bố giá tham khảo mà không có vàng bán. Các tiệm vàng nữ trang cũng đóng cửa hoặc mở cửa nhưng không trưng bày sản phẩm. Ngày 19.6, khi hỏi mua vàng tại Trung tâm vàng bạc đá quý Doji Hàm Nghi (TP.HCM), nhân viên cho biết hiện trung tâm không có vàng miếng SJC, chỉ còn 2 chỉ vàng nhẫn, và nếu khách hàng muốn mua số lượng lớn hơn, phải đặt cọc 100% và nhận hàng sau 15 ngày. Giá bán vàng nhẫn là 75,6 triệu đồng/lượng.

Hệ thống Trung tâm vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), dù có mạng lưới lớn, cũng không có vàng miếng SJC. Nhân viên tại cửa hàng vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ cho biết giá vàng miếng chỉ là tham khảo và không có hàng để bán. Chỉ còn vàng nhẫn và vàng miếng Thần tài, với giá bán 76,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng miếng SJC 780.000 đồng/lượng.

Sản phẩm không trưng bày trên quầy

Điều tra thị trường cho thấy các công ty lớn như Doji, PNJ, Sacombank-SBJ… dù công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, không đơn vị nào có hàng để bán. Ngày 20.6, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC triển khai dịch vụ đăng ký mua vàng trực tuyến, tương tự các ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV. Agribank ghi nhận có 50.000 – 60.000 người truy cập hệ thống đăng ký mua vàng online trong những ngày đầu. Số thứ tự đăng ký trực tuyến của 4 ngân hàng và Công ty SJC phát ra có hạn nên thường chỉ vài phút đầu đã phát hết số cho khách mua.

Theo chị Nguyễn Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã dự kiến mua 2 lượng vàng khi giá vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, thấp hơn trước đây hơn chục triệu đồng mỗi lượng. Nhưng việc xếp hàng chen lấn trước đây làm chị chuyển sang đăng ký online, tuy nhiên chị không biết phải canh như thế nào mới có thể mua được 2 lượng vàng, trong khi ngân hàng chỉ bán mỗi lần 1 lượng. “Trước đây, giá vàng cao nhưng khi cần là mình có thể ra mua được ngay, còn nay có tiền chưa chắc mua được”, chị Thanh than thở.

Không chỉ thị trường vàng miếng mà cả thị trường vàng nữ trang cũng rơi vào cảnh đóng cửa hoặc tạm ngưng kinh doanh. Một vòng quanh khu vực chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) cho thấy các cửa hàng không còn trưng bày sản phẩm nữ trang trong tủ như trước đây. Dãy tủ trưng bày nữ trang vàng trước đây sáng trưng bởi những dàn đèn LED nay tối om, tủ trống trơn. Một số cửa hàng còn treo vài dây đá cẩm thạch, vài con heo thủy tinh, trông buồn thảm…

Qua khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), tình cảnh cũng không khá hơn. Trên trục đường Lê Thánh Tôn, một vài cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa, tháo bảng hiệu. Trong một trung tâm kinh doanh vàng trên đường Lê Thánh Tôn (có khoảng 20 quầy kinh doanh nữ trang), hầu hết những quầy phía mặt tiền đường đều phủ vải lên các tủ trưng bày, phía trong tủ không có hàng hóa gì. Có 3 nhân viên đứng phía sau quầy và cho biết “đang sửa chữa nên không trưng bày sản phẩm”. Thực tế thì không có sửa chữa, khách yêu cầu nữ trang gì là nhân viên lôi từ bên dưới hộc tủ ra sản phẩm cho khách lựa.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn TP.HCM, thừa nhận: Tình trạng các tiệm vàng không trưng bày sản phẩm trong tủ diễn ra trên diện rộng. Thị trường vàng nữ trang không có buôn bán gì, cửa hàng dọn hàng tượng trưng, nhiều nơi không đưa bất cứ sản phẩm nào lên quầy, ngay cả vàng nhẫn cũng không dám đưa ra bán. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Dưng là hầu hết các sản phẩm trên thị trường đều vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trước đây khi giao hàng thì không nhận hóa đơn nên không chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm nữ trang vàng. Theo quy định hiện nay, những sản phẩm không có nguồn gốc, cơ quan chức năng sẽ tạm thu giữ và xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, không những các sản phẩm làm nhái các thương hiệu như Chanel, Cartier, Bvlgari… không được bán mà các mặt hàng còn lại cũng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nên các tiệm không trưng bày. Khi nào khách hàng hỏi mua, tiệm vàng mới đưa ra. Chính vì không tiêu thụ được hàng hóa nên các tiệm cũng ngưng lấy hàng mới về bán.

Thống kê trên cơ sở dữ liệu Tổng cục Thuế, hiện cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý. Đã có hơn 7.200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bạc áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng 1,34 triệu hóa đơn điện tử đã sử dụng.

Trong 2 tuần qua, nhiều người ở TP.HCM đã bỏ nhiều thời gian và công sức đi mua vàng để tích trữ vì đây là thời điểm giá vàng tốt nhất trong thời gian qua. Ngày 14.6, tại điểm giao dịch vàng miếng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) và Quang Trung (quận Gò Vấp), lượng khách mua vàng tiếp tục tăng. Tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước, dù đã mở thêm chi nhánh bán vàng ở TP.HCM, hầu như điểm nào cũng đông người giao dịch.

Theo bà Phạm Thu Hiền (sống tại TP Thủ Đức) chia sẻ rằng vì không đăng ký mua vàng online được nên đã đến thẳng cửa hàng bán vàng miếng SJC để mua. Giá vàng gần như bình ổn nhiều ngày qua nên bà muốn mua để tích trữ. Ông Ngô Đức Tuấn (sống tại huyện Bình Chánh) cũng cho biết: “Tôi mua vàng để tích lũy vì giá vàng cũng đã giảm mạnh sau một thời gian dài lập đỉnh nhưng thấy việc mua thời điểm này quá khó khăn”.

Ngân hàng chỉ bán mỗi khách 1 lượng vàng miếng SJC

Tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng miếng SJC đã kéo dài nhiều ngày, khiến các điểm bán vàng bị quá tải.

Ông Trần Duy Phương, chuyên gia lĩnh vực vàng, cho biết việc đổ xô đi mua vàng miếng đã diễn ra khoảng 2 tuần sau khi Ngân hàng nhà nước triển khai bán vàng kéo giá vàng trong nước sát gần bằng giá vàng thế giới, làm người dân cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mua vàng. Việc cung ứng vàng cho thị trường còn chậm và nhu cầu mua tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải.

Ngoài ra, các điểm giao dịch đang giới hạn số lượng vàng bán ra mỗi người dân chỉ được mua 1 lượng vàng/ngày, dẫn đến tâm lý muốn mua thêm. Đáng chú ý, tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng thu mua vàng với mục đích đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Hiện tại đang xảy ra hai tình trạng giá: giá vàng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC công bố là 76,98 triệu đồng/lượng, trong khi chợ đen mua vào là 80-81 triệu đồng/lượng. Việc mua từ các điểm bán vàng này và bán ra bên ngoài có thể lời từ 3-4 triệu đồng/lượng. Việc này đã kích thích một số lượng người mua đi bán lại, ăn chênh lệch. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng thuê, mướn người xếp hàng để mua và được trả công 500.000-600.000 đồng/lượt. Những việc này đã làm gia tăng tình trạng bát nháo khiến những người có nhu cầu mua vàng thật để tích trữ lại không có cơ hội để mua và quay lại ngày hôm sau để xếp hàng, gây ra tình trạng đông đúc.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều