Vì sao vẫn còn tỉnh thành áp dụng chỉ thị 15, 16, 19?
Bên cạnh nhiều tỉnh thành đang thực hiện NQ 128 của Chính phủ về việc hướng dẫn tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’ thì vẫn còn không ít tỉnh thành vẫn áp dụng các nội dung theo chỉ thị 15, 16, 19 để kiểm soát dịch như trước đây.
Hà Nội không nóng vội!
Chiều 14-10, ông Khổng Minh Tuấn – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội – cho biết nếu xét theo tiêu chí quy định tại nghị quyết 128 của Chính phủ thì Hà Nội sẽ không còn là vùng đỏ.
Thế nhưng theo ông Tuấn: “Bây giờ chúng tôi chưa thể ra hướng dẫn cụ thể ngay được, phải theo đặc thù từng vùng nên phải nghiên cứu kỹ. Hà Nội thời gian tới sẽ sớm có phương án và có thông báo cho người dân”.
Đến chiều cùng ngày, 22 chốt cửa ngõ ra vào thủ đô vẫn được thực hiện để kiểm soát phương tiện, người ra vào TP Hà Nội theo chỉ thị 16. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho người dân, không đúng với tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ.
Phó giám đốc Công an TP Hà Nội – đại tá Trần Ngọc Dương – cho biết hiện chưa có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào TP nên lực lượng công an chưa thể tháo chốt kiểm soát.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ, Hà Nội mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho thủ đô. Mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, vào TP vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn.
Quảng Ninh, Hải Phòng có hướng dẫn ngay
Ngày 14-10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện theo quyết định 4800 của Bộ Y tế và quyết định 1777 của Bộ GTVT ngay. Theo đó, tỉnh này không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Tối 14-10, UBND TP Hải Phòng cũng thông báo điều chỉnh biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo đó, người dân khi vào TP không cần phải trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng tùy theo vùng nguy cơ để áp dụng biện pháp cách ly khác nhau.
Cụ thể, với người mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 nhưng chưa quá 6 tháng ở các tỉnh thành, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của cổng thông tin điện tử Bộ Y tế) thì áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Những người trở về từ các địa phương ở vùng nguy cơ cao mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 nhưng chưa quá 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Người trở về từ các địa phương ở vùng nguy cơ mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 nhưng chưa quá 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phải tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi về.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và thứ 7. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Chỉ xét nghiệm nếu về từ vùng đỏ (cấp độ 4)
Tỉnh Phú Thọ cũng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đối với người trở về từ các vùng nguy cơ cao và rất cao. Cụ thể trường hợp trở về từ địa phương cấp độ 4: Đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, tự thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần bằng xét nghiệm nhanh hoặc PCR.
Với người tiêm 1 liều vắc xin, áp dụng cách ly tại nhà trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng xét nghiệm nhanh hoặc PCR.
Riêng với người chưa tiêm vắc xin, áp dụng cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung trong vòng 14 ngày. Sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm 3 lần bằng RT-PCR. Chi phí cách ly tập trung, xét nghiệm do người cách ly chi trả.
“Lưu ý trước mắt áp dụng biện pháp phòng chống dịch theo cấp độ 4 đối với tất cả các trường hợp trở về từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai cho đến khi có thông báo mới” – ông Bùi Văn Quang, chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nhấn mạnh.
Còn trường hợp người dân về từ địa phương cấp độ 3: Đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, tự thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày. Người chưa tiêm hoặc tiêm 1 liều vắc xin, áp dụng cách ly tại nhà trong 7 ngày. Sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR.
Các tỉnh thành chạy nước rút lập bản đồ cấp độ dịch
* Long An
Chiều tối 14-10, ông Nguyễn Văn Được – bí thư Tỉnh ủy Long An – giao các sở, ban, ngành địa phương rà soát để ban hành văn bản áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mới trên tinh thần của nghị quyết 128. Dự kiến, văn bản được tỉnh ban hành ngày 15-10 và áp dụng từ ngày 16-10.
* Nghệ An
Chiều 14-10, tại chốt kiểm soát trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, lực lượng chức năng vẫn chốt chặn và yêu cầu người dân phải có giấy xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR mới được qua.
* Thừa Thiên Huế
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ thực hiện theo tinh thần nghị quyết 128 từ ngày 15-10.
* Hậu Giang
Theo ông Trương Cảnh Tuyên – phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đang rà soát phân loại cấp độ dịch vùng xanh, đỏ, vàng, cam theo hướng dẫn của Bộ Y tế rồi mới hướng dẫn các địa phương thực hiện theo nghị quyết 128.
* Bến Tre
Ông Trần Ngọc Tam – chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – cho rằng tỉnh đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GTVT và Bộ Y tế để thực hiện nghị quyết 128.
* Sóc Trăng
Theo ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh chưa kịp triển khai thực hiện nghị quyết 128 và dự kiến ngày 16-10 mới có hướng dẫn chi tiết thực hiện.
* An Giang
Ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết vẫn chưa triển khai thực hiện nghị quyết 128. “Trong tuần này, An Giang tiếp tục họp với các sở, ngành và các địa phương mới quyết định thực hiện nghị quyết 128” – ông Bình nói.
* Đồng Tháp
Ông Phạm Thiện Nghĩa – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho hay đang triển khai thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ để phục hồi kinh tế theo hướng thích ứng, linh hoạt.
* Cà Mau
Theo chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã họp để triển khai thực hiện nghị quyết 128. UBND tỉnh Cà Mau đang hoàn thiện văn bản, dự kiến hôm nay sẽ ban hành.
* Cần Thơ
Theo ông Dương Tấn Hiển – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự kiến ngày 15-10 có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện nghị quyết 128.
Minh Ngọc