+
Aa
-
like
comment

Vì sao vaccine Covid-19 cho trẻ em ở thế giới và Việt Nam lại triển khai lâu hơn so với người lớn?

05/09/2021 17:13

Mặc dù vaccine Covid-19 cho người lớn đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, những số liệu đó không thể thay thế cho việc nghiên cứu trên trẻ em. CNN nhận định, vaccine dành cho trẻ em không thể đến sớm và quá trình này sẽ mất nhiều thời gian.

Vì sao vaccine Covid-19 cho trẻ em ở thế giới và Việt Nam lại triển khai lâu hơn so với người lớn?

Tại sao vaccine Covid-19 dành cho người lớn lại ra đời đầu tiên?

Không riêng Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh trên thế giới đang ngày càng lo lắng khi số lượng trẻ em quay lại trường học nhưng chưa được tiêm chủng ngày càng nhiều. Đơn cử ở Mỹ, thanh thiếu niên từ 12 tuổi ở Mỹ đã có thể được tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng với lửa tuổi nhỏ hơn thì chưa.

Mặc dù vaccine Covid-19 cho người lớn đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, những số liệu đó không thể thay thế cho việc nghiên cứu trên trẻ em. CNN nhận định, vaccine dành cho trẻ em không thể đến sớm và quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn một số dự kiến ​​ban đầu.

Vì sao vaccine Covid-19 cho trẻ em ở thế giới và Việt Nam lại triển khai lâu hơn so với người lớn? - Ảnh 1.
Mặc dù vaccine Covid-19 cho người lớn đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, những số liệu đó không thể thay thế cho việc nghiên cứu trên trẻ em

Tiến sĩ Frank Esper, Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em (Hoa Kỳ) giải thích, trẻ em không tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng dành cho người lớn ban đầu vì dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng, những trường hợp bệnh nặng do Covid-19 có xu hướng xảy ra với người lớn (đặc biệt là ở người lớn tuổi). Các phản ứng lây nhiễm xảy ra ở trẻ em gần như không có.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ em miễn dịch với Covid-19. Tiến sĩ bệnh lý học James Versalovic tại Bệnh viện Nhi Texas (thành phố Houston, bang Texas) lý giải rằng trẻ em và người lớn có những khác biệt về sinh học nên cần có những nghiên cứu riêng.

“Trẻ em khác với người lớn. Cơ thể của trẻ em đang phát triển và sẽ phản ứng khác biệt. Chúng ta cần điều trị cho trẻ em theo một cách khác”, ông Versalovic nói với CNN.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Kari Simonsen, người đang dẫn đầu cuộc thử nghiệm vaccine Pfizer tại Bệnh viện Nhi đồng & Trung tâm Y tế ở bang Omaha, giải thích: “Thông thường, mọi ứng cử viên vaccine, ngay cả đối với các tình trạng khác, sẽ được đánh giá đầu tiên ở bệnh nhân trưởng thành và sau đó ở lứa tuổi trẻ hơn”.

“Chúng tôi không thể đưa ra giả định về độ an toàn hoặc khả năng dung nạp của thuốc ở trẻ em giống như đối với người lớn”, bà chia sẻ.

Vaccine Covid-19 cho trẻ em cần nhiều công đoạn kiểm tra hơn

Cũng như vaccine cho người lớn, vaccine cho trẻ em phải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mới được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn. Giai đoạn đầu đánh giá độ an toàn trên khoảng 20-100 trẻ khỏe mạnh. Vì là thử nghiệm cấp tốc nên giai đoạn 2 và 3 được kết hợp và các bước được thực hiện song song.

Trong giai đoạn này, các nhà khoa học theo dõi độ an toàn và kiểm tra hệ miễn dịch của trẻ có phản ứng với vaccine hay không. Số trẻ tham gia giai đoạn này có thể từ vài trăm đến vài ngàn. Một số được tiêm vaccine và một số được tiêm giả dược để so sánh kết quả. Sau khi bước này hoàn tất, công ty mới có thể xin FDA phê chuẩn.

Tuy nhiên, hồi tháng 8, FDA đã yêu cầu các công ty cung cấp thêm dữ liệu an toàn của trẻ 6 tháng sau khi tiêm, trong khi ở người lớn chỉ là 2 tháng. Cơ quan cũng yêu cầu hai công ty Pfizer và Moderna tăng gấp đôi số trẻ em từ 5-11 tuổi tham gia thử nghiệm.

FDA sẽ xem xét dữ liệu và quá trình này được cho là mất nhiều tuần. Nếu cơ quan này phê chuẩn, vaccine cần phải qua một vòng đánh giá nữa của hội đồng cố vấn về miễn dịch của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Theo tiến sĩ Versalovic, việc mời gọi trẻ em tham gia các thử nghiệm của Pfizer và Moderna không gặp vấn đề. Tuy nhiên, việc mở rộng chương trình thử nghiệm khiến quá trình nghiên cứu kéo dài thêm ít nhất một tháng.

Tuy vậy, ông cho biết các nhà khoa học đều đồng ý là điều này cần thiết để có thêm dữ liệu chắc chắn nhằm đảm bảo cho các bậc phụ huynh cho con tiêm vaccine. Tiến sĩ Chapman cũng đồng ý khi nói rằng điều quan trọng nhất là đảm bảo tính chặt chẽ của khoa học.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Frank Esper cũng cho biết, một trong những lý do để tập trung vào việc nghiên cứu vaccine Covid-19 dành cho người lớn trước tiên là vì khi trẻ em tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng, đôi khi sẽ phải trải qua nhiều công đoạn kiểm tra hơn. Ví dụ, đứa trẻ và cả cha mẹ thường phải đồng ý tham gia vào cuộc thử nghiệm hoặc nghiên cứu.

“Trẻ em là đối tượng đặc biệt và dễ bị tổn thương. Trong các thử nghiệm lâm sàng, cho dù đối với vaccine hay bất kỳ loại điều trị nào, chúng tôi không muốn đẩy nhanh tiến độ vì vấn đề an toàn”, Tiến sĩ Esper nói.

Vì sao vaccine Covid-19 cho trẻ em ở thế giới và Việt Nam lại triển khai lâu hơn so với người lớn? - Ảnh 2.
Việc nghiên cứu vaccine cho trẻ em mất nhiều thời gian hơn vì hệ thống miễn dịch của trẻ em không giống nhau ở mọi lứa tuổi.

Hệ thống miễn dịch của trẻ em khác với người lớn

Hệ thống miễn dịch ở trẻ em có thể thay đổi rất nhiều tùy theo độ tuổi. Trẻ 16 tuổi sẽ có hệ thống miễn dịch khác nhiều so với trẻ 16 tháng. Do đó, cần có thêm dữ liệu và nghiên cứu khi đánh giá vaccine cho trẻ em.

Tiến sĩ Esper giải thích: “Hệ thống miễn dịch của trẻ em đang phát triển giống như chúng vốn có. Chúng tôi thường chia bọn trẻ theo nhóm tuổi và giai đoạn. Chúng tôi không thể chỉ nói rằng tất cả các hệ thống miễn dịch của trẻ em đều giống nhau ở mọi lứa tuổi “.

Thông thường, người lớn thường gộp chung với nhau từ 18 đến 65 tuổi và sau đó là 65 tuổi trở lên. Với trẻ em, có sự đa dạng hơn về giai đoạn và độ tuổi vì trẻ em vẫn đang lớn và phát triển. Tất cả những điều này phải được xem xét khi nghiên cứu vaccine vì trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có thể sẽ phản ứng khác nhau.

Tiến sĩ Emily Chapman, Phó chủ tịch Bệnh viện nhi Children’s Minnesota (bang Minnesota) cho rằng các nhà khoa học cần tính toán liều lượng để đảm bảo an toàn và có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch ở trẻ. “Nhìn chung, trẻ em có hệ miễn dịch hoạt động rất nhạy nên chúng tôi nghi rằng liều vaccine ít hơn sẽ kích hoạt phản ứng đủ để đứa trẻ chống lại việc lây nhiễm thành công”, bà Chapman nói.

Khi nào Việt Nam sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em?

Câu hỏi khi nào trẻ em Việt Nam được tiêm vaccine cũng đang được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tại Việt Nam, hiện chưa tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vì số lượng vaccine còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn.

Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra ngày 28/8, Chính phủ đang triển khai theo hướng Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em, căn cứ vào khoa học, quy định độ tuổi để tính toán, phân bổ. Loại vaccine nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em thì trong thời gian tới, khi nhập Việt Nam về sẽ dành để tiêm cho trẻ em.

“Với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vaccine và chúng ta sớm tiếp cận vấn đề này như làm việc sớm với các hãng, thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có loại vaccine phòng chống dịch cho các cháu trong thời gian sớm nhất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ngày 23/8/2021, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel khẳng định sẽ sớm cung cấp 10 triệu liều vaccine Abdala cho Việt Nam từ nay đến cuối năm 2021. Đồng thời, Cuba sẵn sàng cử ngay các chuyên gia sang Việt Nam để trực tiếp chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này.

Vaccine Abdala hiện có hiệu quả phòng ngừa virus chủng mới gây ra đại dịch Covid-19 lên đến trên 92%, tương đương với các loại vaccine phổ biến trên thế giới hiện nay, và đang được Cuba triển khai tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi an toàn, hiệu quả.

Trước đó, giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.

Quỳnh Anh

Bài mới
Đọc nhiều