Vì sao UEFA nổi giận với sự cố của Ronaldo?
Chỉ một hành động nhỏ, Cristiano Ronaldo đang tạo ra tiền lệ “xấu” ảnh hưởng tới các nhà tài trợ của UEFA ở vòng chung kết Euro 2020.
Không ai nghĩ hành động gạt chai Coca-Cola khỏi tầm mắt khi tham gia họp báo trước trận Bồ Đào Nha – Hungary tại Euro 2020 của Ronaldo lại khiến UEFA lao đao tới vậy. Những cầu thủ khác cũng “bắt trend”, họ làm giống với những gì người đồng nghiệp thực hiện.
UEFA và các nhà tài trợ (có liên quan – PV) không hài lòng. Cơ quan bóng đá quyền lực nhất châu Âu thậm chí có những lời nhắc nhở, với hy vọng mọi chuyện chấm dứt.
Hành động mâu thuẫn
CR7 chủ ý di chuyển hai chai Coca-Cola khuất khỏi tầm mắt sau khi ngồi vào bàn phỏng vấn. Mục đích rất rõ ràng, anh khuyên mọi người nên sử dụng nước lọc thay vì đồ uống có gas.
Song, chai nước Ronaldo chạm vào vẫn là một sản phẩm khác của Coca-Cola. Chưa nói đến vấn đề sức khỏe, hành động của siêu sao người Bồ Đào Nha thực sự gây tổn hại tới nhà tài trợ, khi vốn dĩ họ bỏ ra “hàng chục triệu” USD (theo Athletic – PV) để sản phẩm xuất hiện ở những vị trí chiếm sóng nhất.
Chuyên gia tiếp thị thể thao Tim Crow, người đã có 20 năm làm cố vấn cho Coca-Cola, cho biết: “Coke và UEFA đều sẽ nổi giận. Thực tế thì đã có một thỏa thuận giữa họ và tất cả Liên đoàn cũng như cầu thủ. Một trong những điều khoản là cầu thủ sẽ đi đến các cuộc họp báo. Ở đó, bao quanh họ là hình ảnh các các nhà tài trợ”.
“Thật không thể tưởng tượng ra khi một trong những vận động viên nổi tiếng nhất và được theo dõi nhiều nhất trên hành tinh lại có động tác như vậy”, ông Tim Crow phân tích.
UEFA có thể cảm thấy xấu hổ trước tình tiết này nhưng không có bất kỳ hành động nào chống lại Ronaldo. Họ cũng không khiển trách Paul Pogba khi anh di chuyển một chai bia khỏi bàn họp báo sau chiến thắng 1-0 của tuyển Pháp trước Đức.
Pogba, một tín đồ Hồi giáo, có lý do chính đáng để không muốn gương mặt mình gắn với hình ảnh một sản phẩm có cồn. Dù vậy, nhà tài trợ này hẳn cũng rất khó chịu.
Chỉ một tuần đầu tiên khi Euro khởi tranh, các nhà tài trợ sớm lao đao. Họ bỏ ra số tiền khổng lồ, để sản phẩm được đặt ở vị trí đắt giá nhất trong các buổi họp báo. Và rồi, sản phẩm của họ xuất hiện ở đó chỉ để 2 cầu thủ nổi tiếng nhất di chuyển nó sang một bên, khuất tầm nhìn của ống kính máy quay.
Với hơn 300 triệu người theo dõi trên Instagram và 96 triệu người trên Twitter, hành động của Ronaldo rõ ràng dễ gây tổn hại đến hình ảnh nhà tài trợ nhất. Khoảnh khắc đó của cầu thủ 36 tuổi chính là “kẻ thù” đối với các hoạt động quảng bá thương hiệu.
Đây không phải lần đầu tiên Ronaldo lên tiếng chống lại Coca-Cola. Năm ngoái, anh thừa nhận rằng con trai anh, Cristiano Junior, đã “chọc tức” cha mình bằng cách uống nước ngọt.
“Tôi đôi khi khó chịu vì con tôi thỉnh thoảng uống Coca-Cola và Fanta (một sản phẩm nước ngọt có gas khác). Điều đó làm tôi bực bội. Nó biết tôi không thích điều đó”, Ronaldo nói.
Thế nhưng trong quá khứ, CR7 là một người rất thích uống Coca-Cola. Anh cũng đóng quảng cáo cho hãng này ở chiến dịch World Cup 2006.
Ole Gunnar Solskajer từng kể một câu chuyện về người đồng đội cũ ở Man United rằng Ryan Giggs đã dằn mặt Ronaldo khi anh mang theo một lon Coca vào phòng ăn sáng. Ronaldo thay đổi kể từ đó.
Ngoài ra, trong một chiến dịch quảng cáo với KFC, gã khổng lồ thức ăn nhanh, cũng cho thấy đội trưởng tuyển Bồ Đào Nha không phải lúc nào mang tới hình ảnh đầy thiện chí.
Chuyên gia Tim Crow cho biết thêm: “Các nhà tài trợ thể thao nhướng mày khi Ronaldo thực hiện hành động đó. Anh ấy có một danh sách dài các nhà tài trợ, bao gồm tất cả các loại công ty mà bạn có thể gọi là thức ăn nhanh. Bản thân Coca-Cola từng là đối tác của Ronaldo trong quá khứ”.
UEFA phải hành động
Động thái của Ronaldo cũng tương tự với Gregg Popovich, ngôi sao lớn ở NBA (Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ). Anh tỏ ra không hài lòng khi một chai Gatorade xuất hiện trước mặt trong cuộc họp báo vào năm 2018.
“Tôi không muốn quảng bá cho những sản phẩm chứa nhiều đường như thế”, Popovich nói.
Klay Thompson của Golden State Warriors cũng được biết đến với việc từng để chai Gatorade ra khỏi khuôn hình máy quay. Mục đích của hậu vệ ghi điểm này thực tế hơn, bởi lẽ anh vốn là là đại sứ thương hiệu của BodyArmor, một đồ uống thể thao đối thủ.
Chỉ với một hành động nhỏ, Ronaldo tạo ra một xu hướng mới ở VCK Euro 2020. Manuel Locatelli của tuyển Italy “học theo” cách hành xử của người đồng nghiệp.
Điều này mang tới một loạt phản ứng tiêu cực, nhưng không phải là nguyên nhân khiến giá trị cổ phiếu của công ty đồ uống này giảm 4 tỷ USD như báo chí đưa tin. Theo đó, giá cổ phiếu của Coca-Cola đã giảm trước khi cuộc họp báo của tuyển Bồ Đào Nha bắt đầu.
“Hoàn toàn vô nghĩa,” chuyên gia Tim Crow nói. “Các nhà đầu tư Mỹ không bị ảnh hưởng bởi những gì diễn ra trong cuộc họp báo trước trận đấu tại Euro. Thị trường chứng khoán không hoạt động như vậy. Hàng tấn cổ phiếu đi xuống vì một số lý do nhưng hai điều này không liên quan đến nhau. Mọi chuyện đều ổn”.
Chuyên gia tiếp thị thể thao nói tiếp: “Theo một cách nào đó, Ronaldo đã kịch tính hóa những gì liên quan tới Coca-Cola. Đồ uống này là một sự lựa chọn. Tất cả sản phẩm trước mặt anh ấy đều là của Coca-Cola. Ngay cả thứ nước mà anh ta cầm lên cũng là sản phẩm của Coca-Cola”.
Có thể Coca-Cola không bị ảnh hưởng chỉ bởi sự cố Ronaldo. Nhưng UEFA có lý do để không vui. Họ ký hợp đồng với nhà tài trợ và cho phép sản phẩm quảng bá được xuất hiện trong mỗi cuộc họp báo.
“Các cầu thủ có nghĩa vụ tuân theo các quy định của giải đấu”, Martin Kallen, Giám đốc Điều hành Euro 2020 nhấn mạnh. “Điều quan trọng là doanh thu của các nhà tài trợ có ý nghĩa lớn với giải đấu và bóng đá châu Âu”.
Theo ông Kallen, mối quan hệ đối tác với các nhà tài trợ là tối quan trọng, cho phép sự phát triển của bóng đá trên khắp châu Âu. Vì lẽ đó, hành động của Ronaldo rõ ràng đi ngược lại mong muốn của nhà tài trợ và UEFA.
Chắc chắn UEFA không muốn điều đó xảy ra thêm một lần nào nữa. Ngày càng nhiều hành động tương tự xuất hiện, họ có lý do để đe dọa phạt các cầu thủ nếu học theo CR7.
Hiểu Lam