Vì sao trung ương kỷ luật chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng?
Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Thái Hưng, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Vì sao như vậy?
Tại kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra trung ương (họp từ ngày 3 đến 8-1 tại Hà Nội), Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thái Hưng, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Đảng đoàn, chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La, bằng hình thức khiển trách.
Lý do kỷ luật là vì ông này có người thân vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, vi phạm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Trước đó, tại kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV hôm 18-10, ông Nguyễn Thái Hưng, ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, bí thư Thành ủy Sơn La, chủ tịch HĐND thành phố Sơn La, được bầu giữ chức chủ tịch HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Nguyễn Thái Hưng có vợ là bà Nguyễn Thị Hương, thời điểm năm 2018 là phó trưởng Phòng giáo dục tiểu học của Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La. Hiện nay bà Hương là phó trưởng Phòng tổ chức cán bộ và chính trị tư tưởng của sở, chi ủy viên chi bộ 1, Đảng ủy Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La
Theo nguồn tin của PV, trong quá trình điều tra vụ gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La, cơ quan công an làm việc với ông Nguyễn Ngọc Hà, trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La. Ông Hà khai trước khi tổ chức chấm thi THPT quốc gia, ông có chuyển danh sách, thông tin của 10 thí sinh cho một số thành viên ban chấm thi để nhờ giúp đỡ.
Trong số này, có hai trường hợp là thí sinh N.Đ.A. (số báo danh 14000144) và thí sinh L.V.T. (số báo danh 14000825) là do bà Nguyễn Thị Hương, phó trưởng Phòng giáo dục tiểu học, gửi nhờ ông.
Làm việc với công an, bà Nguyễn Thị Hương khai trước khi chấm thi THPT quốc gia 2018, bà tình cờ gặp hai thí sinh trên tại cổng Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La. Biết các thí sinh là đồng hương quê Thanh Hóa, bà Hương đã trực tiếp nhận thông tin từ hai thí sinh này rồi chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Hà nhờ giúp đỡ, cụ thể là nhờ ông Hà nói lại với thành viên ban chấm thi giúp “xem điểm thi” cho các thí sinh này.
Bà Hương khai bản thân không nhận bất kỳ khoản lợi ích nào từ hai thí sinh trên, đồng thời cũng không chuyển khoản tiền nào cho ông Nguyễn Ngọc Hà và thành viên ban chấm thi.
Cơ quan điều tra xác định bà Hương là một trong chín đối tượng trung gian đã nhờ xem điểm cho một số thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018. Hiện vụ án này vẫn đang được Công an tỉnh Sơn La tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ các đối tượng có liên quan.
Được biết giữa tháng 11-2019, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Sơn La đã ra quyết định xử lý kỷ luật ở mức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Hương.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La, có 100 cán bộ đảng viên và 1 tổ chức Đảng có liên quan đến sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức, tỉnh ủy viên, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, cách chức giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo; ông Phạm Văn Thủy, tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBDN tỉnh Sơn La, bị cảnh cáo; ông Vì Quyền Chứ, phó giám đốc Công an tỉnh, bị khiển trách. 10 cán bộ khác của Công an tỉnh Sơn La cũng bị kỷ luật. Tám cán bộ là bị cáo trong vụ án bị khai trừ Đảng.
Ngoài ra, đã thi hành kỷ luật đối với 46 đảng viên là cha, mẹ của thí sinh được nâng điểm trái quy định trong kỳ thi; thi hành kỷ luật đối với 9 đảng viên là đối tượng trung gian có vi phạm liên quan trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 bằng hình thức cảnh cáo; đang tiếp tục xem xét xử lý theo quy định đối với 6 đảng viên khác.
N.V.HẢI/TTO