+
Aa
-
like
comment

Vì sao Trung Quốc phải tranh giành, giẫm đạp lên nhau quét sạch siêu thị?

Bảo Trâm - 08/11/2021 08:57

Theo CNN, nhìn lại lịch sử hàng thế kỷ qua, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân hàng đầu thế giới. Hạn hán, lũ lụt và nạn đói đã nhiều lần hoành hành trong lịch sử Trung Quốc – nhiều vương triều đã bị những người nông dân đói khổ triền miên nổi dậy và lật đổ.

Người dân xếp hàng mua thực phẩm ở một siêu thị tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 2-11 – Ảnh: EPA

Với công nghệ – kỹ thuật phát triển, nạn đói có vẻ không còn đe dọa quốc gia 1,4 tỷ dân này như trước. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc dường như vẫn đặt an ninh lương thực làm một trong những ưu tiên hàng đầu.

Gần đây, một động thái của Bộ Thương mại Trung Quốc đã dấy lên làn sóng mua sắm hoảng loạn trong dân chúng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát – với những tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội như thêm dầu vào lửa.

Thông báo này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Sau đó, Bộ Thương mại cho biết không có mối đe dọa nào sắp xảy ra với nguồn cung thực phẩm. Tờ Economic Daily cũng nỗ lực xoa dịu những tranh luận trên mạng xã hội khi cho biết mục đích của thông báo trên là nhằm đảm bảo người dân chuẩn bị tinh thần cho đợt phong tỏa mới nếu đợt bùng dịch mới xảy ra.

Trước đó, tình trạng hạn hán, mưa lớn cũng là mối lo ngại đối với nguồn cung lương thực, do đó Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phát động chiến dịch chống lãng phí lương thực. Tuy nhiên, lý do này cũng không thể ngăn cản người tiêu dùng ồ ạt tích trữ bắp cải, bột mì và gạo. Cùng với đó, thông báo mới nhất của Trung Quốc cũng đẩy giá hợp đồng tương lai dầu ăn và dầu cọ Malaysia tăng.

CNN cho biết một phần nguyên nhân gây ra phản ứng dữ dội như vậy trong dân chúng là do Bộ Thương mại Trung Quốc khuyên các gia đình nên tích trữ “nhu yếu phẩm thiết yếu”, một điều mà ngay thậm chí trong giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh đầu năm 2020 cũng không có trong khuyến cáo của chính quyền.

Theo CNN, Trung Quốc cần “nuôi” 1,4 tỷ người, tương đương khoảng 1/5 dân số thế giới. Thực phẩm rõ ràng là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, đất nước từng trải qua Nạn đói lớn vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 khiến hàng chục triệu người bỏ mạng. Trong ký ức của nhiều người đang sống ngày nay hẳn vẫn còn hằn sâu sự kinh hoàng của thảm kịch này.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một bước chuyển mình mạnh mẽ, thì những lo ngại về an ninh lương thực vẫn còn đó. Ví dụ, chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố một “kế hoạch hành động” khuyến khích người dân không đặt nhiều thực phẩm hơn mức họ cần và báo cáo các nhà hàng có hành động lãng phí thực phẩm.

Tuy nhiên, thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn kéo theo phản ứng dữ dội bất thường. Trên mạng, nhiều người thậm chí còn đồn đoán điều này có liên quan đến căng thẳng leo thang ở Eo biển Đài Loan, dù không có bằng chứng nào cho thấy viễn cảnh Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ trang có thể xảy ra trong tương lai gần.

Giới chức và truyền thông Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu nỗi lo thiếu lương thực. Ông Zhu Xiaoliang, một quan chức Bộ Thương mại nước này, khẳng định có đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân và thông cáo trên chỉ hướng đến giới chức địa phương, thay vì các hộ gia đình thông thường.

Trong khi đó, Sở Quản lý Khẩn cấp Giang Tô đã thừa nhận những lo ngại về “nguồn cung cấp khẩn cấp” trên tài khoản WeChat. Nhưng cơ quan này cho biết các khuyến nghị về việc tích trữ là “bình thường” và nhằm “nâng cao nhận thức của công chúng về phòng chống thiên tai”.

Bảo Trâm (Theo CNN, SCMP)

Bài mới
Đọc nhiều