+
Aa
-
like
comment

Vì sao Trung Quốc phải thả 10.000 con cá sau khi xây xong đập Tam Hiệp

Thành Nhân - 08/07/2020 14:15

Đập Tam Hiệp nằm ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, mang lại khả năng kiểm soát lũ hằng năm trên sông Dương Tử và nguồn lợi kinh tế lớn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động đến môi trường sinh thái của đập Tam Hiệp cũng vô cùng khủng khiếp.

Vì sao Trung Quốc phải thả 10.000 con cá sau khi xây xong đập Tam Hiệp - ảnh 1
Trung Quốc phải thả thêm cá vào hồ chứa đập Tam Hiệp với hy vọng giảm bớt tác động môi trường (ảnh: Xinhua)

Là dự án thủy điện quy mô lớn nhất hành tinh, đập Tam Hiệp đã trải qua hàng chục năm từ khi được lên ý tưởng tới khi hoàn thành.

Ý tưởng về một con đập khổng lồ chịu trách nhiệm chính trong việc điều tiết lũ sông Dương Tử đã có từ thời nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn. Năm 1994, trải qua nhiều lần khảo sát, đập Tam Hiệp đi vào xây dựng và chính thức hoàn thiện vào năm 2009.

Đập Tam Hiệp hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, đặc biệt là trong việc kiểm soát dòng lũ hằng năm được đánh giá là rất thất thường của sông Dương Tử.

Đập Tam Hiệp cũng có đóng góp quan trọng trong sản xuất điện năng, thủy lợi, tưới tiêu, giao thông vận tải đường sông và phát triển du lịch ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét về yếu tố môi trường sinh thái, đập Tam Hiệp được đánh giá là lợi bất cập hại.

Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Năm 2009, sau khi hoàn thiện xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã cho thả 10.000 con cá giống các loại vào hồ chứa nước của đập. Những con cá giống được thả vào đập đều được tuyển chọn rất kỹ về chất lượng, sức chống chịu.

Một trong những tác hại nghiêm trọng của đập Tam Hiệp là ngăn cản sự di chuyển tự nhiên của các loài cá trên sông Dương Tử. Môi trường sông Dương Tử cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc xây dựng con đập.

Nhiều loài cá trên sông Dương Tử, đặc biệt là cá tầm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, không ít loài thủy sinh khác đã biến mất vĩnh viễn.

Trung Quốc thả 10.000 con cá giống vào hồ chứa nước đập Tam Hiệp trong nỗ lực cứu vãn sự cân bằng của hệ sinh thái sông Dương Tử, với hy vọng chúng sẽ nhanh chóng nhân lên về số lượng.

Nghề đánh cá trên sông Dương tử phụ thuộc rất lớn vào sự sinh sôi của các loài thủy sinh. Tuy nhiên, do tác động đến môi trường của đập Tam Hiệp là quá lớn, hầu hết các loài cá ở sông Dương Tử không thể phục hồi về số lượng và bị tuyên bố là đã tuyệt chủng.

Năm 2011, Trung Quốc cam kết chi hơn 140 tỷ USD cho đến năm 2020 để khắc phục các hệ quả do việc xây dựng đập Tam Hiệp gây ra. Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến cuối năm 2019, một nửa số tiền nói trên vẫn chưa được giải ngân.

Một số chuyên gia cho rằng, kể cả Trung Quốc có chi nhiều tiền hơn nữa thì cũng rất khó để giải quyết vấn đề môi trường sông Dương Tử. Chừng nào đập Tam Hiệp còn tồn tại, môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sinh sông Dương Tử vẫn bị ảnh hưởng và khó phục hồi, kèm theo đó là việc đánh bắt, khai thác quá mức.

Hồ chứa của đập Tam Hiệp được cho là cũng góp phần gia tăng nhiệt độ nước sông Dương Tử. Nước sông trở nên ấm hơn trong mùa hè và sự phân tán môi trường sống đe dọa tồn vong của các loài thủy sinh.

Dựa trên tình hình hiện nay, có thể nói 10.000 con cá giống cá loại mà Trung Quốc thả vào đập Tam Hiệp khi mới xây xong đã không thể cứu vãn tình hình.

Vì sao Trung Quốc phải thả 10.000 con cá sau khi xây xong đập Tam Hiệp - ảnh 2
Ngư dân bắt được cá lớn trên sông Dương Tử (ảnh: Xinhua)

Trung Quốc từng sử dụng 200 tấn thuốc nổ để phá hủy đê tạm ngăn nước sông Dương Tử – cấu trúc được xây dựng để ngăn nước, trước khi phần thân đập Tam Hiệp hoàn tất.

Vụ nổ này đã tạo ra khoảng 186.000 mét khối gạch vụn và đất đá rơi xuống lòng sông Dương Tử. Sự tích tụ của chất cặn có ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát lũ của con đập.

Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc chú trọng đến việc trồng rừng dọc sông Dương Tử và cấm tiệt việc xây dựng các nhà máy lớn, có khả năng xả thải, gây ô nhiễm hai bên bờ sông, theo National Geographic.

Theo Tân Hoa Xã, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường sông Dương Tử, từ ngày 1.1.2020, Trung Quốc cấm nghiêm ngặt việc đánh bắt cá ở 332 khu bảo tồn dọc sông.

“Dương Tử là con sông dài thứ 2 thế giới với các loài thủy sinh đa dạng. Đây cũng là lá chắn quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái Trung Quốc”, Yu Zhenkang – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc – nói với Tân Hoa Xã.

“Lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử là biện pháp cấp thiết nhằm ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái của con sông cũng như bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Yu nói thêm.

Vì sao Trung Quốc phải thả 10.000 con cá sau khi xây xong đập Tam Hiệp - ảnh 3
Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá sông Dương Tử 10 năm (ảnh: SCMP)

Theo ông Yu, việc xây đập Tam Hiệp, cùng tình trạng ô nhiễm nước, vận tải thủy và khai khác quá mức đã khiến các loài thủy sinh sông Dương Tử bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là cá tầm.

Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo sự suy giảm đa dạng sinh học ở sông Dương Tử ngày càng tồi tệ và có thể “không còn cá”.

Năm 2019, cá tầm thìa – loài cá bản địa ở sông Dương Tử, được mệnh danh là vua cá nước ngọt – đã bị tuyên bố tuyệt chủng.

Đập Tam Hiệp liên quan đến động đất Tứ Xuyên khiến 87.000 người thiệt mạng?

Khi đập Tam Hiệp xây xong, người Trung Quốc kỳ vọng nó sẽ mang lại những giá trị to lớn nhưng mong đợi đó của họ dường như chưa được đáp ứng khi con đập lớn nhất hành tinh tiếp tục vướng vào nhiều tranh cãi, chẳng hạn như nghi vấn nó liên quan đến trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, khiến 87.000 người thiệt mạng.

Theo Business Insider, số lượng các vụ lở đất và thiên tai khác đã tăng 70% kể từ khi hồ chứa Tam Hiệp đầy vào năm 2010.

Theo Probe International, đập Tam Hiệp sẽ dần mất đi chức năng ngăn chặn lũ lụt do hệ sinh thái rừng trong lưu vực sông bị mất đi, đồng thời là do con đập đã giữ lại khoảng 530 triệu tấn bùn/năm khiến thể tích hồ bị giảm đi đáng kể. Trong bối cảnh mưa lũ ngày càng nghiêm trọng hiện nay, nhiều người dân nghi ngờ lũ lụt là kết quả việc con đập lớn nhất thế giới bí mật xả lũ để giảm áp lực cho cấu trúc đập và cuối cùng dân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Lượng nước khổng lồ trong hồ chứa, cùng với sự tăng giảm của mực nước tùy theo mùa, đã khiến bờ hồ cũng như bờ sông không ổn định, dễ sạt lở, sụt lún.

Một số người nghi ngờ rằng đập Tam Hiệp cũng là một yếu tố gây ra trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 tàn khốc, khiến 87.000 người thiệt mạng, mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận điều này. Kỹ sư cao cấp Fan Xiao ở Tứ Xuyên cho biết, ông đã xử lý rất nhiều vấn đề của con đập. Năm 2004, ông đã xử lý vấn đề về lở đất và động đất do hồ chứa. Và vào năm 2016, ông Fan đã viết một bài báo nghi ngờ về khả năng thực sự của đập Tam Hiệp trong việc giảm thiểu lũ lụt.

Bên cạnh đó, một trong những tranh cãi lớn xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường. Ước tính rằng 70% lượng nước ngọt của Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Ước tính, hơn 265 tỷ gallon nước thải thô được đổ vào sông Dương Tử hàng năm, hiện tích tụ trong hồ chứa thay vì xả xuống hạ lưu và đổ ra biển.

Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn. Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.

1.300 địa điểm khảo cổ cũng đã bị nhấn chìm trong lòng hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ. Ngoài ra, các lỗ hổng cấu trúc ngay từ lần đầu tiên được đề xuất xây dựng đã khiến đập Tam Hiệp nhiều lần trở thành chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt là những mối đe dọa đến từ nguy cơ vỡ đập.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều