Vì sao Trung Quốc có thể muốn Tổng thống Trump tái đắc cử?
Tổng thống Donald Trump tăng cường gây áp lực với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh có thể muốn ông tái đắc cử để lợi dụng chính sách “nước Mỹ trên hết” nhằm tăng cường sức ảnh hưởng trên toàn cầu.
Với chính sách “nước Mỹ trên hết” trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính phủ Tổng thống Trump xem Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trên toàn cầu. Ông Trump đã phát động cuộc chiến tranh thương mại lớn khiến Trung Quốc tiêu tốn hàng tỉ USD, gây áp lực với các công ty công nghệ Trung Quốc và đổ lỗi cho Bắc Kinh gieo rắc đại dịch Covid-19 khắp thế giới.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thỏa thuận về khí hậu, áp đặt hàng tỉ USD thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Lợi dụng chính sách “nước Mỹ trên hết”
Tuy nhiên, nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3.11 thì điều này có thể mang đến lợi ích cho Bắc Kinh vì Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố tìm cách củng cố vị thế của Trung Quốc để trở thành một siêu cường quốc toàn cầu.
Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Zhiqun Zhu tại Đại học Bucknell (Mỹ) cho biết nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump có thể “trao cơ hội cho Trung Quốc nâng cao vị thế toàn cầu với tư cách quốc gia dẫn đầu ủng hộ toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế”. “Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump có thể giúp Trung Quốc có thêm thời gian để vươn lên trở thành một cường quốc trên trường quốc tế”, chuyên gia Zhu nhận xét.
Điều này được thể hiện qua việc chính quyền luôn tuyên bố sẽ ủng hộ thương mại tự do, giữ vững cam kết trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và chia sẻ vắc xin Covid-19 với các quốc gia nghèo hơn.
“Nếu ông Trump tái đắc cử và mở rộng chính sách ‘nước Mỹ trên hết’ thì điều này sẽ giúp mang đến lợi ích lâu dài cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó, chính sách này phần nào khiến các đồng minh truyền thống quay lưng với Mỹ, tạo cơ hội cho Trung Quốc tiến tới”, chuyên gia Philippe Le Corre tại Đại học Harvard (Mỹ) đánh giá.
Trung Quốc lo ngại ông Biden
Ngoài cuộc chiến thương mại, chính phủ Tổng thống Trump cùng lúc nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia, khiến hoạt động tương lai của ứng dụng chia sẻ video TikTok ở Mỹ rơi vào tình trạng bất định. Tập đoàn Huawei cũng nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Trump.
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc còn lan rộng sang lĩnh vực quốc phòng và nhân quyền liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông và cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.
Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trước ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 3.11 thì Trung Quốc cũng khó có thể thoát khỏi áp lực từ phía Mỹ liên quan đến bất kỳ lĩnh vực nào.
Nhà phân tích chính trị Hua Po tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết chính quyền Trung Quốc có thể lo ngại ông Biden sẽ tăng cường gây sức ép về vấn đề nhân quyền. “Ông Biden có thể cứng rắn hơn ông Trump về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng”, chuyên gia Zhu nói.
“Bên cạnh đó, ông Biden có thể tiếp tục duy trì mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu ông đắc cử. Khi đó, Bắc Kinh có thể sẽ phải nhượng bộ các yêu cầu khác của Mỹ nếu muốn các mức thuế được dỡ bỏ”, chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), cho biết.
Mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ phải đưa ra các lập luận thuyết phục về vấn đề bảo mật dữ liệu nếu muốn tránh các lệnh cấm vận gây thiệt hại nghiêm trọng đối với những công ty công nghệ của nước này. Washington xem Huawei là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, đẩy mạnh vận động đồng minh cùng đối tác loại tập đoàn này khỏi các dự án phát triển mạng di động thế hệ thứ 5 (5G).
“Về mặt chính trị, nếu đắc cử, ông Biden hầu như không thể đảo ngược những chính sách từ thời ông Trump. Huawei đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ với cáo buộc là mối đe dọa an ninh ngay cả trước nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump”, theo nhận định của bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, Châu Á, Châu Âu, một viện nghiên cứu ở Brussels (Bỉ).
PV