+
Aa
-
like
comment

Vì sao Trung Quốc cật lực tẩy chay H&M, Nike..?

25/03/2021 17:27

Làn sóng tẩy chay các thương hiệu thời trang quốc tế như Nike, Adidas, H&M lan rộng ở Trung Quốc. Ngay cả người hâm mộ cũng liên tục yêu cầu các nghệ sĩ phải có động thái hủy hợp đồng với các nhãn hàng vì tuyên bố liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức.

H&M, nhà bán lẻ quần áo thời trang, phụ kiện của Thụy Điển đang bị phản ứng dữ dội và tẩy chay ở Trung Quốc, cư dân mạng nước này thậm chí đã kêu gọi loại bỏ nhà bán lẻ thời trang H&M ra khỏi thị trường Trung Quốc sau khi người dân nước này thấy thông báo không mua bông sản xuất ở Tân Cương trên trang web của hãng.

Theo South China Morning Post, các thương hiệu thời trang quốc tế như Nike và Adidas đã tuyên bố ngừng sử dụng nguyên liệu bông vải từ Tân Cương để phản đối tình trạng bóc lột lao động trong ngành công nghiệp trồng bông tại khu vực này.

Nike thông báo tẩy chay thị trường Trung Quốc

Tờ People’s Daily đã liệt kê một loạt các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong sự kiện này, trong đó có hãng thời trang cao cấp Burberry, thương hiệu đồ thể thao Nike, New Balance và Adidas. Trước đó, hãng thời trang bình dân H&M cũng bị người Trung Quốc chỉ trích, tẩy chay vì tuyên bố từ chối nhập sản phẩm bông sản xuất từ Tân Cương trên trang web của mình.

Chúng tôi không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương, đồng thời cũng không cung cấp các sản phẩm đến từ khu vực này“, tuyên bố của hãng H&M cho biết.

Truyền thông tại Trung Quốc đưa tin các sản phẩm của H&M đã bị xóa khỏi tất cả nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như JD, Taobao và Pinduoduo. Tìm kiếm từ khóa H&M trên các nền tảng này cũng không có kết quả.

Trước đó, tờ New York Times cho biết, vào tháng 9/2020, H&M gây chú ý khi đăng tuyên bố trên trang web chính thức của công ty, tuyên bố ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm từ khu tự trị Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc, với lý do lo ngại về vấn nạn lao động cưỡng bức ở khu vực sản xuất bông. Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ và một số nước châu Âu cáo buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bóc lột sức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương, dẫn đến áp đặt lệnh trừng phạt.

H&M và hàng loạt nhãn hàng bị tẩy chay vì liên quan đến khu vực Tân Cương

Hiện tại, người dân Trung Quốc đang thể hiện sự phẫn nộ trên tài khoản Weibo chính thức của H&M như “Tôi nghe nói rằng công ty đang tẩy chay vải bông Trung Quốc, chúng tôi sẽ tẩy chay sản phẩm của hãng”…

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phản đối H&M, cho rằng hãng đã có “một tính toán sai lầm khi cố gắng đóng vai một anh hùng chính nghĩa” và “chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cũng bác bỏ cáo buộc “bóc lột lao động” trong hoạt động sản xuất bông ở khu tự trị Tân Cương, chỉ ra những báo cáo do truyền thông phương Tây lan truyền đều ngụy tạo, từ những đối tượng chống phá chính quyền.

H&M đã bị dỡ bỏ trên tất cả các sàn mua sắm tại Trung Quốc

Đến nay, các cuộc tẩy chay vẫn đang lan rộng. Người tiêu dùng không thể tìm kiếm các sản phẩm của H&M trên các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến ở Trung Quốc như taobao.com, JD.com, Pinduoduo, Tmall… Thậm chí một số xưởng sản xuất cho biết đã ngừng hợp tác với thương hiệu nổi tiếng này. Các cửa hàng ứng dụng điện thoại di động (App Store) của Xiaomi, Huawei và Vivo đã xóa ứng dụng của H&M. Trong khi đó, các trang Baidu và Dianping.com đều chặn kết quả tìm kiếm cho cửa hàng của hãng này.

Studio của Hoàng Hiên và Tống Thiến, hai đại sứ thương hiệu của H&M tại Trung Quốc, thông báo chấm dứt hợp đồng với công ty Thụy Điển vào hôm 24/3. Theo nam diễn viên “Người phiên dịch”, anh phản đối “sự vu khống và tạo tin đồn”, cũng như bất kỳ nỗ lực nào làm mất uy tín đất nước. Trong khi đó, cựu đội trưởng nhóm nhạc nữ f(x) tuyên bố “lợi ích quốc gia là trên hết”.

Studio của Hoàng Hiên và Tống Thiến, hai đại sứ thương hiệu của H&M tại Trung Quốc, thông báo chấm dứt hợp đồng với công ty Thụy Điển

Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc có thông điệp đến hơn 15 triệu người theo dõi trên Weibo chỉ trích H&M: “Phỉ báng và tẩy chay bông vải Tân Cương trong khi muốn kiếm tiền từ Trung Quốc? Đừng mơ”.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cảnh báo H&M sẽ phải gánh chịu hậu quả do hành động của mình.

Phía H&M Trung Quốc cho biết chuỗi cung ứng toàn cầu của họ được quản lý để tuân thủ các cam kết bền vững và không phản ánh bất kỳ quan điểm chính trị nào nhưng không thể xoa dịu tình hình.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều