+
Aa
-
like
comment

Vì sao trong Hồ sơ Pandora không có tên quan chức Việt Nam?

08/10/2021 14:12

Hồ sơ Pandora được công bố hôm 3.10 làm chấn động toàn thế giới khi hé lộ bí mật tài chính của 35 nhà lãnh đạo hiện tại và đã nghỉ hưu trên thế giới, cùng với hơn 330 chính trị gia và quan chức ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo bản hồ sơ, không có tên chính trị gia Việt Nam nào. Điều này có được là nhờ Việt Nam mạnh tay trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ông Phạm Phú Quốc là giới chức hiếm hoi bị mất ghế đại biểu Quốc hội do bị phát giác có quốc tịch Cộng hòa Síp. Ảnh: VnExpress

Kể từ năm 2016, chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã dẫn đến việc truy tố hàng chục quan chức cấp cao, bao gồm một cựu ủy viên Bộ Chính trị, một số cựu bộ trưởng và hơn 30 tướng lĩnh quân đội và công an. Tuần trước, 9 tướng lĩnh trong lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã bị kỷ luật vì tham nhũng và sai phạm trong quản lý, trong đó 2 người bị khai trừ Đảng và 7 người bị cách hết các chức chức vụ trong Đảng. Sau các biện pháp kỷ luật nội bộ, một vài người trong số họ cũng sẽ phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, sự vắng mặt của các chính trị gia Việt Nam trong Hồ sơ Pandora một phần là thành quả của Chiến dịch phòng chống tham nhũng đã được Đảng đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập, khi vẫn còn nhiều cách để che dấu tài sản bất minh của mình. Một biện pháp phổ biến là sử dụng những người đứng tên hộ để thay mặt họ nắm giữ tài sản tại Việt Nam.

Cách làm này phổ biến ở những cán bộ, công chức nằm trong diện phải kê khai tài sản theo quy định pháp luật. Những người đứng tên hộ có thể là người thân, cộng sự hoặc thậm chí là người được thuê. Trong nhiều trường hợp, cho dù họ có không kê khai hết tài sản của mình thì khả năng cao họ vẫn không hề bị phát hiện.

Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, cựu giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh Zing

Một ví dụ gần đây về việc lạm dụng chức quyền để nắm giữ tài sản và thành lập các công ty sân sau là ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội. Ông Chung bị phát hiện đã can thiệp vào quá trình đấu thầu để trao ba hợp đồng dịch vụ do Chính phủ tài trợ cho Nhật Cường, một công ty do một thân hữu của ông Chung sở hữu.. Trong một trường hợp khác, ông Chung đề nghị chính quyền Hà Nội chọn Công ty Thương mại Dịch vụ Arktic là đơn vị nhập khẩu và cung cấp hóa chất làm sạch nước cho các hồ trên địa bàn thành phố, mặc dù thành phố có thể mua hóa chất trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài với giá thấp hơn nhiều. Cơ quan điều tra sau đó phát hiện ra rằng bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ của Chung, là chủ sở hữu của công ty Arktic.

Ông Nguyễn Đức Chung là một trong những quan chức hiếm hoi ngã ngựa vì tham nhũng. Ảnh: Zing

Trong hầu hết các trường hợp, chính quyền chỉ bắt đầu xác minh các nguồn thu nhập và tài sản của quan chức khi họ bị điều tra chính thức do các cáo buộc tham nhũng hoặc sai phạm quản lý, thường bị phanh phui trong một vụ việc không liên quan. Trong khi đó, các cuộc thanh tra định kỳ đã được chứng minh là không thể phát hiện được hết tài sản bất minh của các quan chức tham nhũng. Ví dụ, năm 2017, cả nước chỉ có 3 trường hợp bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 4/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng Đảng không chỉ phải ‘ngăn chặn và đẩy lùi’ mà còn phải chủ động ‘tấn công’ tham nhũng. Để hướng tới mục tiêu này, Đảng cần đưa ra các cơ chế chặt chẽ hơn nhằm phát hiện các cán bộ kê khai tài sản không chính xác. Cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thắt chặt các biện pháp chống rửa tiền để tăng cường khả năng của các nhà điều tra pháp y tài chính trong việc theo dõi dấu vết dòng tiền. Các cơ chế về mặt pháp lý và thể chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các quan chức sử dụng người đứng tên hộ và các công ty sân sau cũng cần được xem xét.

Với việc không có chính trị gia hay quan chức Việt Nam nào bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora, đó là điều đáng mừng nhưng chúng ta cũng không nên lạc quan.

Thay vào đó, đây nên được coi là một điều đáng lo ngại vì cơ chế chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, rút kinh nghiệm để giúp công tác phòng chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn trong tương lai.

Việt Thắng

Bài mới
Đọc nhiều