Vì sao Triều Tiên đánh sập “biểu tượng hòa bình” với Hàn Quốc?
Triều Tiên được cho là có những toan tính nhất định khi quyết định cho nổ tung văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc, khiến căng thẳng trên bán đảo bất ngờ leo thang.
Triều Tiên hôm nay 17/6 tuyên bố triển khai quân quay lại khu vực biên giới giáp Hàn Quốc và thực hiện các bước để hủy bỏ thỏa thuận vốn được ký kết để giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên cho biết các đơn vị quân sự nước này sẽ được triển khai tới các vị trí tại khu du lịch Kim Cương và khu công nghiệp Kaesong. Cả hai đều nằm ngay phía bắc của đường biên giới được vũ trang dày đặc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Những cơ sở trên từng là biểu tượng của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác liên Triều. Tuy nhiên, tất cả đã bị đóng cửa suốt nhiều năm vì những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên cũng thông báo sẽ nối lại các cuộc tập trận quân sự và thiết lập lại các chốt canh gác tại khu vực biên giới, đồng thời mở lại các cơ sở tiền đồn để thả bóng bay chứa truyền đơn sang lãnh thổ Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ nâng cấp mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội tại khu vực tuyến đầu, trong khi người dân Triều Tiên sẵn sàng “phát động chiến dịch rải truyền đơn lớn chưa từng có” sang nước láng giềng.
Ngày 16/6, Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung Hàn – Triều – cơ sở được 2 nước đồng thuận thiết lập vào năm 2018 sau các hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Triều Tiên cũng tuyên bố cắt đứt mọi mối quan hệ với Hàn Quốc, đồng thời khước từ đề xuất của Seoul về việc cử đặc phái viên trao đổi với phía Bình Nhưỡng.
Theo SCMP, hàng loạt động thái trên của Triều Tiên đã đặt dấu chấm hết cho các thỏa thuận ký với Hàn Quốc từ năm 2018. Vào thời điểm đó, hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang theo đuổi con đường ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự tại các khu vực biên giới.
Theo các thỏa thuận, hai bên dừng các cuộc tập trận bắn đạn thật, di dời một số bãi mìn và phá hủy các chốt canh gác đặt bên trong khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới. Một số chuyên gia từng nhận định, các thỏa thuận trên gây tổn hại nhiều hơn cho an ninh của Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên vẫn giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Mục đích của Triều Tiên
Theo giới phân tích, Triều Tiên muốn dùng các tuyên bố và hành động khiêu khích để buộc các nước bên ngoài phải nhượng bộ, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt triền miên do Mỹ dẫn đầu và đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể cảm thấy thất vọng vì cho rằng, các lệnh trừng phạt đã khiến Hàn Quốc không thể “quay lưng” với Mỹ, một đồng minh của Seoul, để nối lại các dự án kinh tế chung với Bình Nhưỡng.
Quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 hồi đầu năm 2019 kết thúc mà hai bên không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Về phía Triều Tiên, hãng thông tấn nhà nước (KCNA) ngày 17/6 đưa tin các biện pháp cứng rắn được thực hiện để đáp trả việc Hàn Quốc không thể ngăn các nhà hoạt động thả truyền đơn qua khu vực biên giới sang lãnh thổ Triều Tiên.
Jang Kum-chol, giám đốc cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều thuộc đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố chính Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về việc văn phòng liên lạc bị phá hủy, vì các nhà hoạt động và những người Triều Tiên đào tẩu tại Hàn Quốc liên tục rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng.
BBC dẫn lời chuyên gia Ankit Panda nhận định, Triều Tiên có thể đang tìm cách tạo ra một cuộc khủng hoảng để hối thúc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo đang nhận được sự ủng hộ rất lớn tại quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 4, phải đẩy mạnh các dự án hợp tác kinh tế liên Triều.
Một số chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên liên tục có những động thái gây căng thẳng là cách để nước này thu hút sự chú ý của Mỹ mà không cần thử tên lửa tầm xa. Bình Nhưỡng có thể muốn tạo ra khủng hoảng như một cái cớ để nối lại các cuộc đàm phán khẩn cấp.
Lý giải cho hành động của Triều Tiên, chuyên gia Van Jackson nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể cảm thấy bị “bội ước” sau các hội nghị thượng đỉnh thất bại với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Kim Jong-un bước vào bàn đàm phán với hy vọng có thể thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, song rốt cuộc ông không nhận được sự nhượng bộ từ Washington.
Một giả thuyết được đưa ra để giải thích cho động cơ của Triều Tiên liên quan tới vấn đề kinh tế. Nền kinh tế Triều Tiên được cho là đang chịu sức ép rất lớn khi vừa bị hạn chế thương mại với Trung Quốc do dịch Covid-19, vừa phải hứng chịu chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ. Điều này buộc Bình Nhưỡng phải hành động.
Ngoài ra, chuyên gia Panda cho rằng việc Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều, cùng với các động thái khác vẫn chưa được thực hiện, có thể liên quan tới nỗ lực nội bộ của Bình Nhưỡng nhằm xây dựng nền tảng hợp pháp cho bà Kim Yo-jong – em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là nhân vật quyền lực trong chính quyền Triều Tiên.
Trước khi vụ đánh sập văn phòng liên lạc xảy ra, bà Kim Yo-jong, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng Lao động Triều Tiên, ngày 13/6 đã cảnh báo rằng Hàn Quốc sẽ chứng kiến “khung cảnh bi thảm sẽ diễn ra khi văn phòng liên lạc chung vô dụng hoàn toàn sụp đổ”.
Bà Kim Yo-jong cũng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có biện pháp quân sự chống lại Hàn Quốc, đồng thời chỉ trích Hàn Quốc vì không ngăn chặn việc thả truyền đơn, coi đây là “hành động tấn công phủ đầu trước chiến tranh”.
Theo chuyên gia Van Jackson, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên đang trong giai đoạn xây dựng tầm ảnh hưởng và cần thể hiện sức mạnh cũng như năng lực với giới tinh hoa và quân đội Triều Tiên. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu bà Kim Yo-jong có thể thành người kế nhiệm anh trai để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Triều Tiên trong tương lai hay không.
Thành Đạt/DT