Vì sao Thủ tướng yêu cầu không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến COVID-19?
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, theo nội dung Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dịch COVID-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 48 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Như vậy, chưa cần nói đến việc mua các gói bảo hiểm liên quan đến bệnh COVID-19 của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, ngay cả người dân không có bảo hiểm y tế cũng nghiễm nhiên được khám và điều trị miễn phí đối với bệnh thuộc nhóm A.
Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/2/2012 của Bộ Tài chính quy định: công dân Việt Nam bị cách ly y tế, thuộc trường hợp phải cách ly cũng như những công dân bị nhiễm bệnh truyền nhiễm loại A sẽ được miễn chi phí đi lại, chi phí thăm khám, chi phí xét nghiệm, chi phí thuốc, vật tư y tế, chi phí khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, ngày 29/3 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống COVID-19 quy định mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày.
Thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm cho ra mắt gói bảo hiểm liên quan đến dịch Covid-19 với phí dịch vụ thấp chỉ từ 100.000 – 300.000 đồng/khách hàng tương ứng thời hạn bảo hiểm 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm.
Quyền lợi đi kèm các gói bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng với trường hợp người mua bị tử vong (do bệnh Covid-19). Trường hợp người được bảo hiểm phải điều trị nội trú tại bệnh viện do không may nhiễm Covid-19, thì sẽ được trả chi phí y tế thực tế hoặc sẽ chi trả 1 lần là 20 triệu đồng trong trường hợp không thể cung cấp các chứng từ y tế liên quan đến việc điều trị.
Thậm chí có gói bảo hiểm còn hỗ trợ cho khách hàng 5 triệu đồng/người trong trường hợp bị cách ly y tế tập trung.
Mặc dù đã có chính sách rõ ràng đối với người cách ly, người nhiễm COVID-19, nhưng thời gian qua không ít các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã tung ra các gói bảo hiểm liên quan đến dịch COVID-19 nhằm lôi kéo khách hàng.
Các gói bảo hiểm liên quan đến COVID-19 không chỉ được nhân viên các công ty bảo hiểm nhiệt tình tư vấn cho khách hàng mà còn được hỗ trợ tích cực từ nhân viên ngân hàng, những người phải chịu sức ép khủng khiếp từ chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI), trong đó việc mang về các hợp đồng bảo hiểm được xem là một tiêu chí quan trọng trong xếp hạng KPI.
Ngoài ra, công ty này cũng công bố kể từ ngày 3/2/2020 đến hết 30/4/2020 sẽ áp dụng thêm các chính sách hỗ trợ đối với các sự kiện bảo hiểm có liên quan đến virus Corona. Toàn bộ các trường hợp được cách ly điều trị tại bệnh viện do nghi ngờ nhiễm virus corona được xem là điệu trị tại khoa chăm sóc đặc biệt và được hưởng các quyền lợi bảo hiểm tương ứng (gấp đôi mức trợ cấp hàng ngày đối với quyền lợi trợ cấp y tế, gấp đôi giới hạn phụ về chi phí phòng và giường đối với quyền lợi chăm sóc sức khỏe).
Theo một nhân viên tư vấn bảo hiểm thuộc công ty này, ngoài những gì BHYT chi trả, công ty sẽ chi trả thêm tùy theo gói bảo hiểm khách hàng tham gia, như trợ cấp y tế qua đêm, bệnh lý nghiêm trọng do virus gây ra, quyền lợi tử vong…
Thành Nhân