+
Aa
-
like
comment

Vì sao Thủ Đức thành ‘rốn ngập’?

20/09/2020 11:36

Có địa hình khá cao nhưng vài năm gần đây mỗi khi mưa lớn, nhiều khu vực ở Thủ Đức ngập sâu khiến cuộc sống, sinh hoạt người dân bị đảo lộn.

Trận mưa lớn chiều tối 11/9 kéo dài hơn một giờ làm nhiều địa điểm ở quận Thủ Đức ngập nặng. Dọn nhà sau đêm “đánh vật” với nước tràn vào, bà Đào Muối, 67 tuổi, ở đường số 14, phường Linh Đông, nói gia đình đã chuẩn bị ba bao cát và hai tấm ván cao nửa mét “phòng thủ” trước cửa nhưng vẫn bất lực khi nước dâng nhanh, ồ ạt đổ vào khi mới mưa hơn 30 phút.

Nhà bà Muối nằm gần tuyến Tô Ngọc Vân giao đường ray xe lửa – một trong những điểm ngập nặng do trũng thấp. Khu vực này nhiều vị trí ngập hơn nửa mét khiến xe chết máy la liệt, hơn chục nhà trong khu dân cư bị nước tràn lênh láng. “Nước ngập vào nhà kéo theo rác thải và côn trùng. Khi rút, bùn đất bám dày nền gạch, trơn nhẹp, bốc mùi hôi. Cả nhà tôi phải thức gần hết đêm dọn dẹp, kê lại đồ đạc”, bà Muối nói.

Bà Đặng Thị Hương cho biết dù đã nâng cao nền nhà khoảng nửa mét so với mặt đường nhưng vẫn phải phòng thủ thêm tấm ván, sáng 12/9. Ảnh: Gia Minh.
Nền nhà đã nâng khoảng nửa mét so với mặt đường nhưng bà Đặng Thị Hương vẫn phải “phòng thủ” thêm tấm nhựa để ngăn nước vào nhà khi mưa xuống, sáng 12/9. Ảnh: Gia Minh.

Nhà ở trên đường Tô Ngọc Vân gần góc Phạm Văn Đồng, bà Đặng Thị Hương, 64 tuổi, nói khoảng ba năm nay khu vực này hễ mưa là ngập. Nền nhà nâng cao hơn nửa mét so với mặt đường nhưng bà phải chuẩn bị các tấm ván bằng nhựa cứng để trước cửa, sẵn sàng chắn nước khi có mưa nhưng “không ăn thua”.

“Bàn ghế, giường tủ tôi không dám mua các loại nệm hay sofa vì nước ngấm vài lần là hỏng. Các loại đồ đạc khác như tủ lạnh, máy giặt… phải kê lên cao để đối phó với những trận ngập”, bà Hương nói và cho biết gia đình đang tính nâng nhà cao hơn để bớt khổ.

Cách đó một km, anh Nguyễn Ngọc Phương, 34 tuổi, nhân viên cửa hàng thời trang trên đường Võ Văn Ngân kể con đường này từ đoạn giao tuyến Đặng Văn Bi xuống chợ Thủ Đức, mỗi lần mưa lớn nước chảy cuồn cuộn như lũ. Khi mưa xuống đường ngập khiến giao thông rối loạn, xe máy bị nước xô ngã. Ôtô chạy nhanh qua đoạn bị ngập tạo sóng ập vô nhà dân hai bên đường.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), cho biết do địa hình chuyển tiếp nhanh, tạo dốc, đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, khu vực quanh chợ Thủ Đức thành điểm ngập sâu trong những năm qua. Trong khi các tuyến cống tại đây xây dựng từ lâu, lại nhỏ hẹp không đủ khả năng thoát nước khi mưa lớn.

“Cửa xả thoát nước ngang đường Phạm Văn Đồng gần Tô Ngọc Vân bị lấn chiếm, dòng chảy bị thu hẹp khiến vị trí này ngập nặng”, ông Điệp nói và cho biết trước đó trung tâm có biện pháp tạm thời nạo vét, mở dải phân cách trên đường Phạm Văn Đồng để khi mưa lớn nước tràn qua, không dồn vào riêng cửa xả này.

Cơn mưa chiều tối 11/9 khiến khiến đường Tô Ngọc Vân ngập sau, nước chảy siết. Ảnh: Quỳnh Trần.
Cơn mưa tối 11/9 khiến đường Tô Ngọc Vân ngập sâu, nước chảy siết, xe cộ đi lại khó khăn. Ảnh: Quỳnh Trần.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng quy hoạch chống ngập ở thành phố quá chậm khiến ngay cả nơi địa hình cao như Thủ Đức tình trạng ngập ngày càng nặng nề. Hệ thống thoát nước lạc hậu nhưng chưa được đầu tư, quá trình “bêtông hoá” nhanh làm giảm khả năng thấm nước. “Tương lai nơi này cùng với quận 2, 9 thuộc Thành phố phía Đông nên bài toán cho thoát nước cần được tính toán kỹ lưỡng, đi trước một bước”, ông Cương nói.

Cuối năm 2018, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập (nay nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị) đề xuất xây 7 hồ điều tiết chồng ngập ở các quận huyện với mức đầu tư 475 tỷ đồng. Các hồ sử dụng công nghệ Cross-wave của Nhật Bản, vật liệu Polypropylene độ bền cao, dễ thi công, không gian trữ nước tới 90%, thân thiện môi trường.

Để đo tính hiệu quả của 7 hồ điều tiết, trước đó hồi tháng 8/2017, thành phố phối hợp với Công ty Sekisui (Nhật Bản) xây thí điểm hồ điều tiết ngầm ở đường Võ Văn Ngân, trước Nhà văn hoá thiếu nhi quận Thủ Đức. Hồ dài 10 m, rộng 9 m và sâu 2,5 m, kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ có dung tích quá nhỏ, chỉ hơn 100 m3 nên không thể chứa hết lượng nước mưa đổ xuống khu vực này.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đai học Quốc gia TP.HCM, hồ điều tiết giúp thu nước và làm chậm dòng chảy dồn vào hệ thống cống khi mưa lớn. “Nhưng chỉ một hồ ngầm nhỏ ở đường Võ Văn Ngân khó phát huy hiệu quả giảm ngập cả khu vực”, ông Phi nói.

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM), để tăng khả năng thu nước trên đường Võ Văn Ngân, công ty đã làm ba mương nằm ngang mặt đường. Dù vậy đây chỉ là biện pháp trước mắt, còn để chống ngập hiệu quả, Thủ Đức phải triển khai nhiều dự án lớn, đồng bộ.

Hồ điều tiết chống ngập trước nhà văn hoá thiếu nhi quận Thủ Đức quá nhỏ không thể thu hút hết nước mưa trên đường Võ Văn Ngân. Ảnh: Giang Anh.
Hồ điều tiết chống ngập thí điểm trước Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức quá nhỏ không thể thu hết nước trên đường Võ Văn Ngân mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Giang Anh.

 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, quận Thủ Đức sắp tới có nhiều dự án chống ngập. Trong đó bốn tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Tô Ngọc Vân và Hồ Văn Tư nằm xung quanh chợ Thủ Đức được cải tạo hệ thống thoát nước dài hơn 1,2 km, lắp cống tròn đường kính từ 1-1,2 m hai bên.

Một dự án lớn khác cũng được triển khai là cải tạo hệ thống thoát nước trên quốc lộ 1 dài 6,5 km từ ngã tư Bình Phước đến Đại học Quốc gia, hai bên đường lắp cống đường kính từ 1-1,5 m. “Thành phố sẽ nâng cấp hệ thống thoát nước ở đường Linh Trung, từ đường số 11 đến tuyến song hành xa lộ Hà Nội dài 1,2 km, với cống rộng từ 1,2-1,5 m hai bên đường”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết.

Về phía địa phương, quận Thủ Đức đang thực hiện một số dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang và làm hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, dọc đường ray xe lửa ở phường Linh Đông…

Gia Minh/VE

Bài mới
Đọc nhiều