+
Aa
-
like
comment

Vì sao tàu tên lửa Hải quân Việt Nam luôn tác chiến theo biên đội?

21/06/2020 20:46

Hiện nay, hải quân Việt Nam đã khá hùng hậu về đội tàu hộ vệ tên lửa cũng như tàu tên lửa tấn công nhanh. Tuy nhiên, khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, tàu tên lửa Việt Nam thường đi theo biên đội chứ không đi riêng lẻ, vì sao lại có chuyện này?

 

Sau một thời gian được cấp trên quan tâm tạo điều kiện cho “Tiến thẳng lên hiện đại”, đến nay, Quân chủng Hải quân Việt Nam đã có cho mình một vốn liếng nhất định, có thể nói là một lực lượng có máu mặt trên biển tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Chiến sĩ hải quân tàu ngầm Việt Nam thuộc lữ đoàn 189. Một trong số đó không thể không kể đến nắm đấm thép chủ lực trên mặt biển của Việt Nam, đó là những tàu tên lửa tấn công nhanh và tàu hộ vệ tên lửa vô cùng hiện đại có sức mạnh vô cùng ghê gớm. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 12418 trên biển.

 

Tuy nhiên, khi thực hiện những đòn tấn công trên biển, đội tàu mặt nước Việt Nam thường tập trung hành tiến và tấn công theo biên đội mà không độc lập tác chiến riêng lẻ. Để giải thích cho điều này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lí do vì sao hải quân ta thường tác chiến theo lối này. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa 1241RE và tàu hộ vệ Gepard 3.9.

 

Hiện nay, năng lực phòng không hạm đội của Hải quân Việt Nam còn khá hạn chế. Chúng ta thiếu những con tàu chuyên biệt cho nhiệm vụ phòng không với các tổ hợp đánh chặn tầm trung và xa, chủ yếu chỉ có những tổ hợp phòng thủ tầm gần và cực gần để chống lại những mối nguy hiểm từ trên không như tiêm kích đối phương, trực thăng hay tên lửa hành trình. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa 12418 Molniya và tàu pháo TT-400TP. Nguồn: QPVN.

 

Loại vũ khí phòng không mạnh mẽ và hiện đại nhất trên tàu chiến Việt Nam là tổ hợp phòng thủ tầm gần Palma – SU trên các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Tổ hợp sử dụng 2 pháo cao tốc Gatling 6 nòng loại AO-18 cỡ nòng 30mm với tốc độ bắn 10.000 phát/phút và tầm bắn hiệu quả 4.000m. Ảnh: Tổ hợp Palma – SU và pháo hạm AK-176 trên tàu Gepard Việt Nam.

 

Ngoài ra còn có 8 tên lửa phòng không 9M311 Sosna-R chia thành 2 cụm bố trí ở trên 2 khẩu pháo AO-18, mỗi tên lửa này có thể tấn công mục trong phạm vi từ 1.6 đến 10 km, độ cao tối đa 5.000m. Ảnh: Nạp ống phóng tên lửa Sosna-R cho tổ hợp Palma-SU trên tàu Gepard.

 

Còn lại, hầu hết các tàu tên lửa Việt Nam đều trang bị các hệ thống phòng thủ tầm gần AK-630 sử dụng pháo AO-18 30mm tương tự pháo của tổ hợp Palma-SU với tầm bắn hiệu quả 4.000m, tốc độ bắn 10.000 phát/phút, và dự trữ 4.000 viên đạn. Ảnh: 2 pháo cao tốc AK-630 trên tàu tên lửa 12418 Molniya.

 

Nhìn chung, tất cả các tổ hợp phòng thủ của tàu chiến chủ lực Hải quân Việt Nam chỉ có tầm bắn không quá 10.000m. Đây thường là lúc các tên lửa chống hạm của đối phương vào giai đoạn pha cuối, rất khó đánh chặn, ngoài ra còn ngoài tầm bắn đối với tiêm kích đối phương hoặc trực thăng mang vũ khí chống hạm. Ảnh: Biên đội 12418 Molniya Việt Nam.

 

Chính vì vậy, các máy bay tiêm kích Su-30 MK2 hiện nay đang có trong biên chế Không quân Việt Nam sẽ được sử dụng để phối hợp tác chiến cùng các tàu mặt nước, tạo ô phòng không cho đầu cho quân ta trên biển, có thể phát hiện sớm các mối đe dọa với tàu quân ta cũng như thực hiện biện pháp đối phó. Đồng thời tấn công các máy bay tiêm kích và trực thăng mang vũ khí chống hạm của đối phương, bảo vệ an toàn cho đội tàu quân ta. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa 12418 Molniya Việt Nam.

 

Nhưng một điều bất cập là số lượng chiến đấu cơ Su-30 MK2 trong biên chế Không quân ta lại không nhiều, không thể triển khai dàn trải để đi theo nhiều tàu hoạt động một cách độc lập trên biển. Do đó, các tàu thường công kích theo biên đội để có thể dễ dàng cho các máy bay tiêm kích phát huy khả năng cao nhất. Ảnh: Biên đội tàu chiến Gepard 3.9 của Việt Nam.

 

Không những thế, việc tập trung theo biên đội tàu có thể thực hiện một cuộc tấn công tên lửa bão hòa vào đối phương dễ dàng. Các tàu trong biên đội sẽ cùng phóng tên lửa về phía tàu đối phương, tạo một mật độ hỏa lực cực cao khiến đối phương rất khó hoặc không thể đánh chặn hết tất cả. Đồng thời các tàu cũng có thể liên kết và tự bảo vệ nhau trước các mối đe dọa trên không tốt hơn so với việc độc lập tác chiến. Ảnh: Tàu tên lửa BPS-500 và tàu hộ vệ Gepard 3.9 phóng tên lửa Kh-35.

 

Dù vậy, biện pháp dùng tiêm kích để thay thế nhiệm vụ làm ô phòng không cho biên đội tàu chiến cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hy vọng trong tương lai không xa, các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, cho chúng ta những con tàu có khả năng phòng không tầm trung và tầm xa thực thụ, đáp ứng nhu cầu cấp bách cần một mẫu chiến hạm phòng không chuyên biệt mà bấy lâu nay Hải quân Việt Nam vẫn còn thiếu. Ảnh: Tàu tên lửa tấn công nhanh 1241RE của hải quân Việt Nam.

Hùng Dũng/KT

Bài mới
Đọc nhiều