Vì sao sự cố tại Tân Sơn Nhất gây thiệt hại nặng cho ngành hàng không?
Việc vừa sửa chữa, vừa vận hành đường cất hạ cánh đang đẩy sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào trạng thái dễ bị đình trệ khi sự cố xảy ra.
Sân bay Tân Sơn Nhất từng xảy ra nhiều sự cố cất hạ cánh nhưng hiếm khi nào rơi vào tình trạng đình trệ cùng lúc cả 2 đường băng như ngày 14/6. Cú trật khỏi đường băng khi đang hạ cánh của máy bay VietJet lập tức ảnh hưởng đến khoảng 200 trăm chuyến bay khác, nhiều chuyến phải chuyến hướng đến các sân bay dự bị.
Tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách nằm ngồi la liệt vì tất cả chuyến bay đều bị lùi thời điểm cất cánh so với lịch dự kiến.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, thời điểm chuyến bay VJ322 của VietJet gặp sự cố tại đường băng 25L/07R, đường băng còn lại đang được đóng cửa để khảo sát chuẩn bị sửa chữa.
Nhà chức trách phải lập tức tạm hoãn việc khảo sát, mở cửa trở lại đường băng 25R/07L để kịp khôi phục nhịp bay tại Tân Sơn Nhất. Sân bay mất hơn 6 giờ đình trệ.
Việc tận dụng được đường băng dự phòng là điều may mắn bởi công tác giải tỏa đường băng gặp sự cố rất khó khăn. Sau hơn 10 giờ, lực lượng chức năng vẫn chưa thể đưa được máy bay rời khỏi hiện trường.
Sự cố tại Tân Sơn Nhất trong ngày 14/6 cảnh báo ngành hàng không nội địa về một giai đoạn nhạy cảm sắp tới khi cả Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ đồng loạt đào bóc 1 đường băng để đại tu.
Trao đổi với PV, một chuyên gia hàng không nhận định khi 1 trong 2 đường băng được sửa chữa, áp lực sẽ dồn về đường băng còn lại bởi không còn đường băng dự bị nếu sự cố xảy ra.
Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có 2 đường cất hạ cánh song song. Dù không thể khai thác cùng lúc vì khoảng cách quá gần, 2 đường băng này vẫn hoạt động đan xen, gối nhau để đảm bảo cất hạ cánh liên tục. Nếu một đường băng gặp sự cố, đường băng còn lại chịu trách nhiệm đảm bảo nhịp bay thông suốt.
Trong tháng 6, Bộ GTVT dự kiến triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cả 2 đường băng này. Cách thức triển khai tại mỗi sân bay là tạm đóng cửa 1 trong 2 đường băng để sửa chữa trong nhiều tháng, dồn hết áp lực lên đường băng còn lại.
Giai đoạn đóng cửa 1 đường băng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc thi công phải tiến hành khẩn cấp. Bộ GTVT vừa được Chính phủ trao quyền chủ đầu tư và cho phép giao thầu tại 2 dự án để đẩy nhanh tiến độ.
Hiện, cả 2 đơn vị quản lý dự án là Ban quản lý dự án Thăng Long (phụ trách Nội Bài) và Tổng công ty Cửu Long (Phụ trách Tân Sơn Nhất) đều khẳng định sẽ bắt đầu khởi công dự án trong tháng 6 và đưa đường băng mới vào khai thác trước Tết Nguyên đán sau 6 tháng thi công.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã kêu gọi cố gắng sửa chữa đường băng sớm hơn, lý tưởng nhất là khởi công ngay từ tháng 3, khi ngành hàng không đình trệ vì Covid-19.
Lúc 12h22 ngày 14/6, chuyến bay VJ322 hành trình từ Phú Quốc đến TP.HCM khi hạ cánh đã trượt ra khỏi đường băng và dừng lại trên bãi cỏ. Tại thời điểm hạ cánh, sân bay có mưa lớn, gió giật.
Toàn bộ tổ bay và hành khách đều an toàn. Tuy nhiên, hoạt động cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất phải tạm dừng nhiều giờ do sân bay chỉ khai thác một đường băng 25L/07R, đường băng 25R/07L đang đóng để phục vụ cho việc khảo sát sửa chữa nên không khai thác.
Cục Hàng không cho biết sân bay đã phải mở tạm đường băng 25R/07L để kịp khôi phục hoạt động bay vào 18h30 cùng ngày. Đến 23h30, máy bay gặp sự cố vẫn chưa được đưa khỏi hiện trường để giải tỏa đường băng 25L/07R.
Ngọc Tân/ZN