Vì sao Phú Quốc ngập nặng?
Phú Quốc hứng chịu đợt mưa lớn và kéo dài chưa từng có trong 100 năm. Ngoài yếu tố tự nhiên, việc ngập úng có phần do hạ tầng chưa đồng bộ và người dân lấn chiếm suối.
Chiều tối 9/8, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn còn mưa và nhiều nơi giao thông bị chia cắt. UBND huyện này đã huy động tất cả lực lượng để giúp dân với khoảng 1.500 cán bộ các cấp, các ngành và công an, quân đội.
“Lượng mưa đo được đến chiều 9/8 là 355 mm, còn triều cường dâng cao 1,6 m. Do triều cường đang lên nên nước mưa thoát chậm. Dự báo ngày mai sẽ có trận mưa kéo dài nên chúng tôi đang lo”, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói với Zing.vn.
Ngập lịch sử trong 100 năm
Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho biết lượng mưa trung bình của ngày 8/8 là 254 mm, gấp 10 lần bình thường. Ngày 9/8, mưa tiếp tục kéo dài ở đảo nên lượng mưa tăng lên gấp 15 lần bình thường và điều này chưa từng có trong vòng 100 năm ở Phú Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Kiên Giang, tần suất mưa và lượng mưa quá lớn đã gây ra ngập nặng.
Trong khi đó, yếu tố chủ quan gây ngập là có những công trình ở Bãi Trường do xây dựng không đạt tiến độ nên chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của toàn tuyến.
Chính những nơi chậm đấu nối đã gây ngưng chảy, tạo thành những “bụng nước”. Những “bụng nước” này lâu ngày không có đường thoát đã tự phá vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn.
“Một yếu tố khác bắt nguồn từ trật tự xây dựng trước đây. Người dân vì lợi ích cá nhân, không nhận thức được tác hại của việc lấn chiếm các dòng suối tự nhiên”, ông Quốc Anh nêu.
Yếu tố tự nhiên kết hợp gây ngập nặng ở Phú Quốc ngoài ảnh hưởng bão số 3 từ những ngày trước là việc đảo đang nằm trong khu vực ảnh hưởng hai cơn bão đang xuất hiện ở phía Tây Thái Bình Dương. Điều này khiến nước biển dâng lên ở đây.
“Một số nơi nước ngập trên đường tràn ra biển nhưng nước biển thì lại tràn vô, mà 2 cơn bão này vài ngày nữa mới tan”, lãnh đạo Sở Xây dựng Kiên Giang nói.
Nước ngập sâu 1 m
Đến chiều tối 9/8, tất cả cán bộ ở Phú Quốc vẫn đang tham gia chống ngập lụt, giúp người dân đến nơi an toàn, ra khỏi vùng bị cô lập và nguy cơ sạt lở. Nếu vận động không được thì phải cưỡng chế người dân ra khỏi vùng nguy hiểm vì yếu tố con người đặt lên hàng đầu.
“Mưa nhiều, sợ nước trữ trên cao với lượng lớn sẽ tạo thành đập lũ. Ngành giao thông đang mở những đường thoát nước. Theo thống kê, lượng mưa từ ngày 1/8 đến 13h ngày 9/8 đã lên tới 1.120 mm, xấp xỉ 40% tổng lượng mưa năm trước tại Phú Quốc”, ông Lê Quốc Anh thông tin thêm.
Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết sân bay Phú Quốc tạm thời đóng cửa vì thời tiết xấu. Trong ngày 9/8, có 37 chuyến bay không đáp được xuống cảng hàng không quốc tế này.
Nhiều nơi ở Phú Quốc bị ngập sâu khoảng 1 m, nặng nhất là thị trấn Dương Đông, xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ.
“Chúng tôi huy động tất cả lực lượng vũ trang là Lữ đoàn 950, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cùng công an, bộ đội của huyện để hỗ trợ người dân”, ông Hưng nói và cho biết có hơn 3.000 căn nhà ở Phú Quốc đang bị ngập.
Tối 9/8, trao đổi với PV, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết lượng mưa ngày 9/8 tại Phú Quốc chính thức vượt mốc năm 1997, trở thành ngày có lượng mưa cao nhất lịch sử đảo ngọc.
Theo số liệu từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong vòng 24 giờ (từ 19h ngày 8/8 đến 19h 9/8), lượng mưa ở Phú Quốc đã lên tới 358 mm, vượt xa mức lịch sử ngày 22/8/1997 là 327,1 mm.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 2.776 mm. Trong đó, lượng mưa trung bình tháng 8 hàng năm là 458 mm.
Riêng lượng mưa từ ngày 1/8/2019 đến 13h ngày 9/8/2019 đã lên tới 1.120 mm, xấp xỉ 40% tổng lượng cả năm, cao gấp 2,44 lần trung bình tháng 8.
“Ngày 10/8, dự báo Phú Quốc tiếp tục mưa vừa đến lớn nhưng giảm hơn so với hôm nay. Từ ngày 11/8, mưa giảm hẳn, chỉ tập trung vào chiều và tối”, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết.
(Theo Zing News)