+
Aa
-
like
comment

Vì sao Phần Lan bất chấp rủi ro để gia nhập NATO?

Huy Hoàng - 20/04/2022 14:08

Việc Phần Lan và Thụy Điển bất ngờ từ bỏ vị thế trung lập mà họ tốn công xây dựng hàng thập kỷ để xích lại gần hơn với NATO, đã khiến cho dư luận trong nước không khỏi bất ngờ. Nhiều luồng ý kiến cho rằng quyết định này nông nổi không khác gì Ukraine, nhưng chờ đã, trước khi phán xét, chúng ta hãy nên đứng ở góc nhìn của họ. Rằng nỗi sợ nào đã thúc đẩy hai quốc gia này quyết liệt gia nhập NATO như vậy?

Bất lợi về địa lý khiến nước Nga trở nên nguy hiểm trong mắt hàng xóm láng giềng

Cuộc chiến tại Ukraine đã làm nước Nga trở nên rất đáng sợ. Các nước Châu Âu lo sợ Nga đang ôm tham vọng bành trướng lãnh thổ giống như thời các Sa Hoàng Nga chứ không chỉ đơn giản là phi phát xít hóa Ukraine. Vì lẽ đó, họ mới tìm đến NATO để xoa dịu cơn ác mộng sắp đến với mình. Nỗi sợ này hoàn toàn có lý do khi chúng ta đứng ở góc nhìn của họ, nhìn vào những bất lợi địa lý mà nước Nga đối mặt, để thấy Nga không sớm thì muộn rồi cũng có lúc mở rộng lãnh thổ về phía Tây.

Trước đây, vùng lãnh thổ phía tây nước Nga, giáp với Ukraine, Belarus, … đã luôn sống trong nỗi bất an. Vì vị trí địa lý ở đây là đồng bằng, không có rào cản tự nhiên như núi hay đầm lầy. Phía Tây của nước Nga là một khoảng không mênh mông cò bay thẳng cánh có tên là đồng bằng Đông Âu. Đồng bằng này bằng phẳng đến mức trông chẳng khác nào một con đường dọn sẵn để các thế lực phương Tây dễ dàng hành quân đến tận cửa ngõ thủ đô Moscow. Một khi kẻ thù tiến vào, Nga chẳng còn cách nào khác là phải xông ra đánh trả. Trong lịch sử đã có rất nhiều thế lực lợi dụng sự trống trải từ phía tây để tấn công Nga, như Ba Lan, Thụy Điển, Pháp, Thổ, Đức, và ngày nay là NATO. Đặc biệt là nước Đức dưới thời Adolf Hitler, ông ta đã từng lợi dụng điểm yếu này và chỉ một chút nữa thôi là đã có thể tiến vào Moscow.

Môi hở thì răng lạnh, đằng này phía tây nước Nga còn chẳng có môi. Chính vì khả năng phòng thủ gần như bằng không, cho nên từ hồi thế kỷ 14, Ivan IV, người đầu tiên tự xưng là Sa Hoàng Nga đã đề ra một chính sách chấn động mang tên là tấn công để phòng thủ. Ông cho rằng để đế quốc Nga tồn tại, cần có một vùng đệm khổng lồ xung quanh, để một khi kẻ thù tiến vào trung tâm, chúng sẽ phải tổn hao rất nhiều nguồn lực và khó khăn về mặt tiếp tế hậu cần. Và vùng đệm này chính là lãnh thổ các quốc gia lân bang, đặc biệt là ở phía tây hướng thẳng về Châu Âu. Chính sách này là những gì mà cả đời Ivan IV và đời đời con cháu của ông vẫn đang cố gắng thực hiện.

Cho dù đó có là một Vương công của Đại Công quốc Moskva, một Sa Hoàng của Đế quốc Nga, một Lãnh tụ Tối cao của nước Nga Xô-viết hay một Tổng thống của Liên bang Nga, thì cũng phải tuân theo di chiếu này. Vì để bảo vệ đất nước, họ chẳng còn cách nào khác. Hoặc là xâm lược bằng vũ lực, hoặc là thiết lập các chính quyền chuyên chế thân Nga, hoặc là trói chặt kinh tế và ngoại giao của các nước ấy vào Nga. Bằng mọi cách phải ngăn cách nước Nga với phần còn lại Châu Âu. Nếu không, nước Nga sẽ không bao giờ được yên. Cho nên dù nước Nga ở thời kỳ nào, thì bất lợi về địa lý luôn khiến họ bất an. Thời nước Nga Xô Viết, họ duy trì vùng đệm của mình bằng thành lập một liên bang. Dưới thời ông Putin, thì là chính sách đồng hóa, khuyến khích người Châu Âu nhập tịch Nga.

Các nhà lãnh đạo Nga nổi tiếng từ trái sang phải theo trình tự thời gian: Ivan IV – Peter Đại Đế – Catherine Đại Đế – Nicholas II – Vladimir Lenin – Joseph Stalin – Mikhail Gorbachyov – Dmitriy Medvedev – Vladimir Putin.

Nói chung, Nga buộc phải mở rộng lãnh thổ, đôi khi không vì tham vọng bành trướng giống như Trung Quốc mà đó là vì an ninh, là liều thuốc trị căn bệnh mang tên lời nguyền địa lý ở nước Nga. Kaliningrad, Belarus, Ukraine, Ba Lan, Litva, Phần Lan, … những điểm này đều rất quan trọng vì nếu nối chúng với nhau gần như là tạo thành một vành đai ôm trọn biên giới phía Tây của nước Nga. Cho nên, việc Phần Lan lo sợ Nga sẽ có động thái đặc biệt với mình là hoàn toàn có lý. Phần Lan và Thụy Điển quyết liệt gia nhập NATO chính là nhằm duy trì cán cân quân sự để đối trọng với Nga, gìn giữ vị thế trung lập theo hướng chiều sâu chiến lược, chứ không phải là phá vỡ nó một cách hời hợt như Ukraine.

Sau khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đã cho thấy, đang có đến 68% số người Phần Lan được hỏi đều ủng hộ việc đất nước gia nhập NATO, cao gấp hơn 2 lần con số trung bình trước đây và con số phản đối chỉ có 12%. Tại Thụy Điển, con số ủng hộ thấp hơn nhưng cũng trên 50%. Điều này minh chứng cho nỗi sợ đế chế Nga đang một lần nữa sống dậy trong lòng Châu Âu, bất kể Nga có tham vọng này hay không thì nó cũng đã bắt đầu sinh sôi trong suy nghĩ các nước láng giềng. Họ buộc phải tìm đến NATO để xoa dịu nỗi sợ của mình, dùng NATO để đối trọng với Nga, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Chuẩn bị cho sự trỗi dậy của một nước Nga siêu cường.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều