Vì sao Phạm Nhật Vũ được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt?
Trong kết luận điều tra, Cơ quan Công an đã nêu những điểm tích cực của bị can Phạm Nhật Vũ và đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi lượng hình.
Theo kết luận điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ – với vai trò là chủ tịch HĐQT của AVG, là đại diện giao dịch 95% cổ phần của AVG – vì mong muốn bán được cổ phần nên đã đề nghị các ông: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn để dự án được hoàn thành.
Điều đáng chú ý là trong quá trình đàm phán, Phạm Nhật Vũ không hứa hẹn sẽ đưa tiền, sau khi hoàn thành việc ký kết hợp đồng, thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân, gồm: Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500 nghìn USD.
Hành vi của Phạm Nhật Vũ đã phạm vào tội “đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù (hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên).
Theo Cơ quan Công an, trong quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.
Bị can Phạm Nhật Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ tiền đã nhận kèm lãi, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Về lý lịch, gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, bị can có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hội chất độc da cam, bom mìn… và các hoạt động an sinh xã hội khác.
Do đó, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ, (đặc biệt được hiểu là khác với thông thường, trong trường hợp này mang ý nghĩa tích cực, có lợi cho bị can)
Ngọc Lương