Vì sao ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở trại tạm giam của Quân đội?
Nhiều người thắc mắc tại sao trường hợp cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà do Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, lệnh bắt tạm giam nhưng thời gian gần đây ông lại không tạm giam ở cơ sở giam giữ của Công an mà ở cơ sở giam giữ của Quân đội
Lý giải về việc này, một vị đại biểu Quốc hội, người từng có nhiều năm làm công tác xét xử cho biết, việc bị can do Cơ quan Công an khởi tố, lệnh bắt tạm giam nhưng họ bị tạm giam ở cơ sở giam giữ của Quân đội là điều bình thường. Giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Thông tư liên tịch về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, việc bị can bị tạm giam ở cơ sở giam giữ của Công an hay Quân đội đều là cơ sở giam giữ của Nhà nước. “Việc tạm giam bị can ở cơ sở giam giữ nào là do Cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề quan trọng là làm sao để việc giam giữ bị can đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo điều tra khách quan và đảm bảo nhiều vấn đề khác”, Trung tướng Trần Văn Độ nói và dẫn chứng thêm, nhiều vụ án, bị can bị bắt ở một tỉnh hoặc thành phố dù nơi đó có cơ sở giam giữ nhưng bị can vẫn được đưa đến cơ sở giam giữ của tỉnh, thành khác để tạm giam. Ví dụ như vụ án Năm Cam và đồng bọn cách đây 18 năm, các đối tượng bị bắt ở TP. HCM nhưng bị đưa xuống cơ sở giam giữ ở Tiền Giang.
Trở lại trường hợp ông Trần Bắc Hà, bị can này được đưa đến trại tạm giam T771, Cục điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) vào tháng 3/2019. Sáng 18/7, khi sức khỏe ông Trần Bắc Hà có dấu hiệu xấu, cán bộ của trại tạm giam đã đưa đến Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội) nhưng khi đến bệnh viện ông đã chết. Vào tối qua, người thân ông Hà đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 105 để làm các thủ tục lo hậu sự.
Theo Điều 26 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng.
(Theo Dân Việt)