Vì sao nước sông Hồng bất ngờ đổi màu trong xanh như ngọc?
Nước sông Hồng dần chuyển màu, ở gần bờ có thể quan sát được đáy do nước trong vắt khác với bình thường.
Khoảng một tuần nay, nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai chuyển màu xanh ngọc khi quan sát từ hai bên bờ; lại gần nhìn xuống nước trong vắt, thấy được đáy ở độ sâu khoảng gần một mét.
Bà Nguyễn Thị Lan, sống tại TP Lào Cai, cho hay bình thường nước sông Hồng màu nâu đục hoặc màu hồng khi nhìn từ xa, song gần đây nước sông chuyển dần sang màu xanh trong. “Gần đây ít mưa nên mực nước rất thấp, chúng tôi thấy rất lạ khi nước sông Hồng thay đổi màu như vậy”, bà Lan nói.
Ông Vũ Đình Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết đây không phải lần đầu nước sông Hồng ghi nhận hiện tượng chuyển màu.
“Khoảng 5 năm gần đây, cứ vào dịp đầu năm âm lịch lại xuất hiện tình trạng này. Nguyên nhân có thể do phù sa vốn làm nên màu nước sông Hồng không còn đổ về nhiều và lượng mưa giảm”, ông Thủy nói và cho hay đơn vị đã cử lực lượng chức năng lấy mẫu nước sông Hồng để xét nghiệm, tìm nguyên nhân.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Chủ tịch Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nêu hai nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng nước sông Hồng không còn “hồng”. Đó là số lượng lớn nhà máy, thủy điện, hồ chứa ở phía thượng nguồn sông Hồng (nằm trên lãnh thổ Trung Quốc) hoạt động đã khiến phù sa bị giữ lại và không chảy về Việt Nam.
“Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến màu nước sông là chất ô nhiễm từ hoạt động của các nhà máy ở thượng nguồn và hai bên bờ nếu có. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định mang tính giả thiết. Để khẳng định nguyên nhân vì sao nước sông Hồng chuyển màu cần phải có nghiên cứu, quan trắc cụ thể”, ông Tứ nói.
Sông Hồng dài 1.149 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chảy vào địa phận Việt Nam từ huyện Bát Xát (Lào Cai). Đoạn sông Hồng chảy trên đất Việt Nam dài 510 km.
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, tổng lượng phù sa sông Hồng qua trạm tại Sơn Tây trong giai đoạn 1958-1990 là khoảng 115.000 tấn mỗi năm. Lượng phù sa này lớn gấp 5 lần lượng của sông Mê Kông ở lãnh thổ Việt Nam.
T.H