Vì sao nói hai tuần tới là hai tuần quyết định thành bại của cuộc chiến với giặc Covid-19?
Ngày 06/03/2020 có thể được xem là đợt 2 của đại dịch Covid-19 với ca bệnh số 17, sau 3 tuần kể từ thời điểm đó, tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 153 ca nhiễm, trong đó có 17 ca đã khỏi bệnh. Cũng trong khoảng thời gian tương tự đó, Mỹ đã nhảy vọt lên với tổng ca nhiễm đã lên hơn 83.000 ca, vượt qua Trung Quốc.
Ở nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hành động trực diện và áp lệnh hạn chế di chuyển, giao thương lớn ở khắp cả nước. Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh: “Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người” và gọi hai tuần tới là khoảng thời gian tuyên chiến với dịch bệnh.
Ngày 12/03/2020, bang California có dưới 1000 ca nhiễm, ngay hôm đó, Tổng thống Trump tuyên bố đóng cửa giao thương với châu Âu kể từ ngày 13/03/2020. Đáng lý ra, ngay cùng ngày hôm đó, chính quyền Mỹ phải tuyên bố đóng của luôn cả bang California, tránh lây lan ra toàn quốc, đó là “thời điểm vàng” mà Trung Quốc đã áp dụng để đóng cửa Vũ Hán và các thành phố vệ tinh để ngăn chặn đại dịch bùng phát ra toàn bộ quốc gia tỷ dân. Hoặc Hoa Kỳ có thể thực nghiệm xét nghiệm quy mô lớn như Hàn Quốc để khống chế dịch bệnh ngay từ ban đầu, nhưng người Mỹ đã tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California khi đã quá muộn vào ngày 22/03, cũng chính từ ngày ấy, Mỹ ghi nhận số người nhiễm và chết đi do virus chóng mặt, bỏ lỡ “thời điểm vàng” để khống chế dịch bệnh. Vì vậy, thời điểm vàng chống dịch rất quan trọng, Việt Nam xác định hai tuần thành bại cũng bởi lý do này đầu tiên.
Lý do đầu tiên: Thời điểm “vàng” để khống chế dịch bệnh.
Ngày 12/03, Tổng thống Trump quyết định dừng toàn bộ đường bay từ châu Âu về Mỹ, đây là quyết sách quá muộn vì trước đó, châu Âu đã dần trở thành tâm dịch thay thế Trung Quốc. Làn sóng hồi hương của công dân về Mỹ để tránh dịch đã diễn ra trong suốt thời điểm trước đó, mặc dù như vậy, chính quyền Hoa Kỳ thực sự vẫn rất coi nhẹ việc này, thậm chí chính Tổng thống Trump còn coi Covid-19 là cúm mùa và đề cao kinh tế hơn đại dịch này. Theo New York Times, mặc dù đã có những cảnh báo và bài học từ phía Trung Quốc, Hoa Kỳ gần như không có biện pháp triệt để nào để phòng dịch ví dụ như cách ly số lượng lớn người nhiễm, thậm chí không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, để rồi một siêu cường quốc thất thủ trước sự lây lan của Covid-19.
Còn ở Việt Nam, theo thông tin được biết, trong 18 ngày vừa qua, Việt Nam đón 81.000 người về nước, trong đó có rất nhiều hành khách tới từ phương Tây, Bắc Mỹ, vốn là hai tâm điểm dịch mới của thế giới. Ngày 21/03/2020, tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam bắt buộc phải cách ly 14 ngày, ngày 25/03/2020, chúng ta đóng toàn bộ các đường bay quốc tế đến Việt Nam.
Con số 81.000 người là một con số vô cùng lớn, để xét nghiệm hết số người này chúng ta cần mất thời gian khoảng 10 – 14 ngày, bên cạnh đó, phải cộng thêm số người tiếp xúc, làm công tác phục vụ như nhân viên sân bay, đưa đón, y bác sĩ và người thân, người tiếp xúc. Chắc chắn trong những ngày tới, con số người nhiễm sẽ không dừng lại, càng xét nghiệm, số bệnh nhân ngày càng tăng, số bệnh nhân ngày càng tăng, sức ép đối với ngành y tế là rất lớn. Đó là vì sao Việt Nam làm việc với phía Hàn Quốc để nghiên cứu phương án xét nghiệm quy mô lớn như bên Hàn Quốc đã từng làm.
Tuy nhiên, có một điểm chú ý là hành khách chưa phải đi cách ly bắt buộc với các chuyến bay trước ngày 21/03/2020, hiện nay, có khá nhiều các trường hợp bệnh nhân trên các chuyến bay này đã đi lại nhiều nơi trên khắp đất nước, trong đó có các du khách nước ngoài. Theo WHO, thời gian ủ bệnh trung bình là 5.2 ngày, trong thời gian này, họ vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, gây khó khăn cho việc khoanh vùng, tiếp xúc, điều trị.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, 14 ngày là thời điểm cách ly, cũng là thời điểm ủ bệnh của Covid-19, trong thời điểm này, chúng ta phải tiến hành sàng lọc, xét nghiệm…cho gần trăm ngàn người nhập cảnh về Việt Nam.
Quy trình xử lý hiện tại với các trường hợp về Việt Nam có thể ngắn gọn như sau: Về các sân bay, cửa khẩu, sàng lọc đối tượng để chia khu, cách ly, xét nghiệm nhiều lần, cách ly 14 ngày, sau đó cách ly tại gia 14 ngày.
Nếu phát hiện dương tính quy trình có thể sẽ như sau: Cách ly tại các điểm chữa trị đặc biệt; Sàng lọc, truy tìm các đời F tiếp xúc với bệnh nhân; Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với các đời F; cách ly tại nhà hoặc cách ly bắt buộc tùy thực trạng tiếp xúc; Cách ly khu dân cư nếu bệnh nhân dương tính đang sinh sống.
Lý do thứ hai: Y tế Việt Nam có thể gặp trường hợp quá tải nếu số ca nhiễm tăng cao, bộc phát trong thời gian tới.
Việc quá tải y tế là điều đã gặp phải ở hầu khắp các quốc gia có dịch bệnh, ngay cả tại các quốc gia phát triển như Ý, Hàn, Nhật, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, Tây Ban Nha… Và nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng không kiểm soát, sức ép đối với ngành y nước ta là vô cùng lớn và không loại trừ trường hợp quá tải.
Hiện tại, bệnh viện Bạch Mai đang nghi ngờ có lây nhiễm chéo, các cơ quan chức năng đã yêu cầu hơn 5000 người từng khám chữa tại Bạch Mai đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn tiến hành xét nghiệm, cách ly. Một điều quan trọng là đây là cơ sở y tế trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn y tế cho cả nước. Ngoài ra, số lượng khám chữa bệnh mỗi ngày của Bạch Mai là rất lớn, đóng cửa Bạch Mai đồng nghĩa với việc áp lực khám chữa bệnh hiện tại của bệnh nhân sẽ dồn sang các bệnh viện khác, mất đi một bệnh viện lớn với đội ngũ y bác sĩ trình độ cao là một thiệt hại rất lớn với ngành y tế.
Nếu số ca nhiễm Covid-19 tăng, ngành y tế sẽ phải điều động thêm các bác sĩ từ các nơi khác đến để vào cuộc chữa trị, điều này có thể gây áp lực ngược lại với các cơ sở y tế khác, những nơi đó cũng cần nhân lực y tế, một áp lực khác nữa là vào dịp xuân hè, các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới có thể quay trở lại hoành hành, áp lực kép với ngành y vì thế sẽ càng khó khăn hơn.
Hiện nay đã có 4 nhân viên y tế nhiễm bệnh, trong đó có 2 bác sĩ trực tiếp tham gia vào quá trình chữa bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở Đông Anh. Đây là những trường hợp ghi nhận đội ngũ y tế đầu tiên nhiễm bệnh. Đối với Covid-19, không có bất cứ một bộ đồ bảo hộ nào giúp các bác sĩ “miễn nhiễm” với dịch bệnh, các trường hợp bác sĩ nhiễm bệnh trực tiếp trong quá trình điều trị đều xuất hiện tại các tâm dịch, khẩu trang N95 cũng chỉ giúp chặn 95% số hạt, vẫn còn tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao.
Môi trường làm việc của các bác sĩ đều có “nồng độ” virus rất cao, tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn so với bên ngoài môi trường, mặc dù đã có trang thiết bị bảo hộ.
Quân đội, Công An và Y Tế là ba ngành cực kỳ đặc thù, đảm bảo sự hoạt động thông suốt trong quá trình chiến đấu chống dịch bệnh, bất cứ khi có sự quá tải hay tổn thương trực tiếp đến một trong ba ngành này đều sẽ dẫn đến sự tổn hại trong công tác chiến đấu với bệnh tật. Vì đặc trưng tập trung, hoạt động cộng đồng, tiếp xúc với nhiều người, nếu xuất hiện tình trạng nhiễm chéo trong ngành, đây sẽ là một thực trạng nguy hiểm.
Một câu hỏi đơn giản được nêu ra: Nếu người dân nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ chữa bệnh, nhưng nếu bác sĩ nhiễm bệnh, thì ai sẽ chữa bệnh?
Lý do thứ ba: Tình trạng dịch bệnh trên thế giới sẽ phức tạp trong 2 tuần tới.
Trong hai tuần tới, tình trạng bệnh sẽ biến rất phức tạp, đặc biệt là tại EU, Bắc Mỹ, nhưng đừng quên rằng ngay trong khu vực Đông Nam Á, các điểm dịch mới cũng bùng phát dần. Trong ngày 26/03/2020, Thái Lan đã vượt mốc 1000 ca nhiễm, Malaysia cũng sẽ cán mốc 2000 ca nhiễm trong đầu tuần sau, Indonesia cũng đã có gần 800 ca nhiễm, Philippines và Singapore đều vượt mốc 600 ca nhiễm. Một điều chú trọng là tại các nước ASEAN, lượng người di chuyển trên máy bay trong thời gian qua vẫn diễn ra do quy định tự do di chuyển mà không cần xin visa, tại biên giới với Lào và Campuchia, các chốt biên phòng đang được lập và hoạt động 24/07 để kiểm soát chặn dòng người nhập cảnh trái phép không qua cách ly. Rõ ràng, Việt Nam đang thực hiện rất tốt các phương án phòng dịch khi các tâm dịch ở gần chúng ta (Trung Quốc, ASEAN…) hay ở xa chúng ta (EU, Bắc Mỹ…) đều đang có diễn biến rất đáng sợ.
Rõ ràng trong 2 tuần tới, dự kiến Thái Lan có thể cán mốc 3000 ca nhiễm, Malaysia có thể cán mốc 5000 ca nhiễm, đặc biệt, các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm có quốc tịch Việt Nam có thể từ Thái Lan di chuyển qua Lào, Campuchia thâm nhập vào Việt Nam trái phép. Hiện nay, việc lập các khu cách ly tại các tỉnh biên giới chưa có dịch đang được triển khai, toàn tuyến biên giới với Lào, Campuchia đang được kiểm soát chặt chẽ và thậm chí ngừng hẳn việc cho công dân qua cửa khẩu.
Hiện tại, gần như Việt Nam đang “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thật may vì điểm dịch phía Bắc của chúng ta là Trung Quốc đã bình ổn, điểm tựa về kinh tế có thể được giải tỏa phần nào.
Trong hai tuần tới, khi thế giới căng mình chống dịch, nhu cầu nhu yếu phẩm sẽ tăng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Đó là lý do Thủ tướng đã yêu cầu ngưng ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, nêu ra ý kiến có thể đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá và thị trường trong nước.
Lý do thứ tư: Đóng cửa “dập dịch”để nhanh chóng khôi phục sản xuất, tranh thủ lúc thế giới gặp khó để vươn lên.
Từ các ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.
Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020; trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Chính Trung Quốc, mới đang là quốc gia hưởng lợi nhất của đại dịch, khi đã dập xong dịch và đang khôi phục sản xuất đáp ứng nhu cầu của thế giới, sau đó là Hàn Quốc cũng hưởng lợi theo vì tình trạng dịch bệnh đang được khống chế rất tốt. Việt Nam hoàn toàn có thể theo chân hai gã hàng xóm đồng văn để tiến bước “hưởng lợi” thay vì chậm trễ ì ạch như các đối thủ như Philippines, Thái Lan hay các quốc gia khác.
Việc đóng cửa, huy động tiền lực, vật lực, nhân lực khống chế dịch bệnh, đánh đổi lợi ích kinh tế quý I và quý II để đổi lấy sự an tâm đầu tư của nhà đầu tư là điều cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hóa. Điều này đã được chứng tỏ thời gian qua khi Hàn Quốc di chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam, nếu đợt này Việt Nam làm tốt, nhanh gọn, thể hiện sự cương quyết, chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá cao.
Nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đều là thế mạnh sản xuất của Việt Nam, thời cơ này không thể tốt hơn để vươn lên đứng đầu, điều này có thể quyết định thành bại của những năm tới. Việc “thoát dịch” nhanh hơn sẽ khiến cho công việc sản xuất hàng hóa trở lại, kêu gọi thêm các nhà đầu tư đến vì là một địa chỉ an toàn, mà mình kêu gọi được càng nhiều nhà đầu tư, các quốc gia trong khu vực cạnh tranh trực tiếp sẽ bị giảm đi sức hút. Muốn mạnh hơn đối thủ, phải tận dụng được thời cơ, trong khi đối thủ đang suy yếu, đây có thể là một nước đi tốt.
Đằng nào cũng chịu ảnh hưởng, vậy thì chịu ảnh hưởng sớm, ảnh hưởng “nhanh gọn” còn hơn bị ảnh hưởng dai dẳng. Việc thoát dịch sớm, áp dụng đóng cửa “đánh nhanh thắng nhanh”, có thể giúp chúng ta thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị, vị thế quốc gia hơn.
Vì vậy, hy vọng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch, khôi phục sản xuất, bình thường hóa các hoạt động.
* Bài viết mang ý kiến chủ quan của tác giả.
Tifosi