+
Aa
-
like
comment

Vì sao nhiều người dân TP.HCM chưa nhận được tiền hỗ trợ?

10/08/2021 15:54

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho hay trong 10-15 ngày, các phường, xã, phấn đấu xét danh sách hỗ trợ sớm nhất cho bà con khó khăn là một nỗ lực cực kỳ lớn và không đơn giản.

Trong 2 lần thành phố triển khai gói hỗ trợ an sinh, nhiều lao động khó khăn phản ánh chưa nhận được tiền, đặc biệt là người chạy xe ôm truyền thống.

Trả lời báo chí vấn đề trên sáng 10/8, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM Lê Minh Tấn khẳng định quan điểm của thành phố là không để lao động nào trên địa bàn gặp khó khăn, khốn khổ, không để sót ai và không để trùng người nhận.

Xe ôm truyền thống lãnh 1,5 triệu đồng

Ông Lê Minh Tấn cho biết theo thống kê, toàn thành phố đến nay có 33.000 người hành nghề xe ôm truyền thống, trong đó 1.000 người chạy xích lô.

Thống kê ban đầu chỉ có 320.000 trường hợp nhưng giờ đã có 365.000 người được hỗ trợ.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn

Quan điểm của thành phố là hỗ trợ cho người chạy xe ôm truyền thống – những người không dùng ứng dụng công nghệ mà chỉ ngồi ở chợ, siêu thị, giao lộ chờ khách tới, thì được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Ông Tấn cho biết Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nói về trường hợp này trong cuộc họp sáng qua và hỗ trợ đợt 2 cho bà con. Tuy nhiên, không phải người chạy xe ôm truyền thống nào cũng được hỗ trợ mà chỉ những trường hợp thật sự khó khăn mới được hỗ trợ.

Vi sao tien chua den tay nhieu nguoi kho khan o TP.HCM? anh 3
Ông Lê Minh Tấn trả lời báo chí ngày 10/8.

Riêng với lao động tự do, ông Tấn cho biết những người này phải có tạm trú ở thành phố và được công an xác nhận, nếu không thì chưa được xem xét. Việc xác định đối tượng này sẽ do khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân, phường, xã xét từng người một.

Ông Lê Minh Tấn lưu ý lao động được hỗ trợ phải thực sự khó khăn chứ không phải bất cứ lao động tự do nào cũng được hỗ trợ. Cụ thể là những người giảm thu nhập sâu hoặc không có thu nhập. Riêng nhóm thật sự khó khăn sẽ được hỗ trợ mà không xét đến thường trú hay tạm trú.

Chính quyền thành phố cam kết không để ai bị đói, cơ cực. Thống kê ban đầu chỉ có 320.000 trường hợp nhưng giờ đã có 365.000 người được hỗ trợ. Tương đương số tiền ban đầu dự kiến là 345 tỷ đồng và giờ lên đến 501 tỷ đồng.

“Tiền đến chậm thì dân khổ”

Làm rõ vấn đề vì sao tiền chưa đến tay người lao động tự do trong lần hỗ trợ thứ 2, ông Lê Minh Tấn cho biết các phường, xã phấn đấu xét duyệt, đến ngày 15/8 hoàn thành (rút ngắn thời gian so với đợt 1 là 9 ngày).

Chậm một chút thì dân khổ một chút, sớm một chút thì dân đỡ một chút.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn

“Đây là nỗ lực cực kỳ lớn của các phường, xã, đơn vị, rất vất vả và không đơn giản. Trong thời gian giãn cách, cán bộ chỉ được hoạt động 1/3 nhân lực thậm chí thấp hơn 1/3. Tất cả phải chạy đôn chạy đáo nhưng không phải chỉ lo hỗ trợ bà con, mà còn phải lo phòng chống dịch”, ông Tấn nói và khẳng định mong mỏi của Sở LĐTB&XH, UBND TP.HCM là số tiền đến sớm cho người dân lúc khó khăn, vì “của cho không bằng cách cho”.

“Chậm một chút thì dân khổ một chút, sớm một chút thì dân đỡ một chút. Mong bà con hiểu để cảm thông, chia sẻ khó khăn, những nỗ lực của sở và các đơn vị, phường xã”, ông Tấn nói thêm.

Giám đốc Sở LĐTB&XH cũng cho biết thành phố gần hoàn thành phân bổ gói hỗ trợ lần 2 với hơn 900 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lần 3, kinh phí trên 900 tỷ đồng, từ 15/8. Đối tượng thụ hưởng lần 3 là người khó khăn, bán hàng rong, bảo vệ, khuân vác, thu gom giấy vụn…

Số tiền trợ cấp là 1,5 triệu đồng/trường hợp, gồm 1,2 triệu đồng tiền mặt và hiện vật giá trị 300.000 đồng.

Ở gói hỗ trợ đợt 2, đơn vị đã hoàn tất 92% gói hỗ trợ nhóm lao động bị hoãn hoặc nghỉ việc với khoảng 56.000 người; 5.800 hộ kinh doanh cá thể, hỗ trợ 90% hộ thương nhân chợ truyền thống cho trên 16.500 trường hợp; hỗ trợ trên 365.000 lao động tự do không có hợp đồng, đạt 100%.

Đồng thời, thành phố cũng cho 44 doanh nghiệp vay để trả lương lao động với kinh phí 75 tỷ đồng; chính sách cho ngành hướng dẫn viên du lịch 6.000 người với 23 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 139 đạo diễn, diễn viên hơn 500 triệu đồng.

Riêng chính sách đối với người khó khăn tử vong do dịch Covid-19, người bảo trợ được hưởng mức trợ cấp gấp 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng là 18 triệu đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chi toàn bộ phần chăm lo hậu sự là 17 triệu đồng.

TP.HCM trải qua 71 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần từ hôm 31/5. Chỉ thị 16 được chính thức áp dụng từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Từ 26/7, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hàng ngày. 0h ngày 2/8, TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Từ 27/4 đến trưa 10/8, TP.HCM ghi nhận hơn 128.000 ca nhiễm.

Thư Trần 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều