Vì sao nhiều đại học nâng điểm cao chót vót để đánh rớt thí sinh?
Số lượng thí sinh đăng ký vào quá ít, thậm chí có ngành chỉ 1- 2 em nên nhiều trường đại học buộc phải nâng điểm chuẩn cao chót vót để đánh rớt thí sinh.
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại xảy ra ở một số trường đại học trong mùa xét tuyển năm nay.
Trong bảng điểm chuẩn công bố, ĐH Đồng Nai gây nhiều bất ngờ bởi bên cạnh các ngành có mức điểm sàn đồng đều thì có một số ngành điểm cao chót vót dẫn đến không có thí sinh nào trúng tuyển ở những ngành này. Việc này xảy ra ở đa phần các ngành sư phạm.
Theo thống kê, trường có 1.806 thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào bậc ĐH của trường. Năm nay trường tuyển 14 ngành ĐH nhưng có đến 4 ngành chưa có thí sinh nào trúng tuyển là Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử và Quản lý đất đai.
Cụ thể, ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngành Sư phạm Vật lý (có 40 chỉ tiêu) điểm chuẩn được đẩy lên đến 24,7 điểm và ngành Sư phạm Lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6 điểm và không có thí sinh trúng tuyển. Ngành Sư phạm Sinh học dù lấy 18,5 điểm song vẫn không có thí sinh nào trúng tuyển.
Trong khi đó, các ngành Sư phạm có thí sinh trúng tuyển, điểm chuẩn cao nhất chỉ là 18,5 vào ngành giáo dục tiểu học. Một số ngành khác lấy 18 điểm (bằng ngưỡng điểm quy định của Bộ GD&ĐT) song vẫn có rất ít thí sinh.
Ở các ngành ngoài Sư phạm, bên cạnh những ngành có thí sinh trúng tuyển có điểm chuẩn 15, 16 thì ngành Quản lý đất đai bỗng tăng vọt lên đến 20,8 và không có thí sinh nào trúng tuyển.
Hiện tượng này cũng diễn ra ở hệ cao đẳng của trường này khi trong số 8 ngành, chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có thí sinh trúng tuyển (điểm chuẩn 16). Năm ngành còn lại đều có điểm chuẩn cao với 2 ngành 16 điểm, 3 ngành từ 19 điểm, trong đó ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn lên đến 19,8.
Xác nhận với báo chí, đại diện ĐH Đồng Nai cho biết, hội đồng tuyển sinh nhà trường thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của thí sinh có thể trúng tuyển.
Nguyên do được đưa ra là vì các các ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ mở lớp. Việc nâng điểm là để thí sinh không thể trúng tuyển vào trường nhưng đồng thời cũng chính là tạo cơ hội cho các em tham gia xét tuyển đợt sau.
ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng diễn ra tình trạng trên khi các ngành của trường này đều lấy điểm chuẩn 14, song có 2 ngày lấy điểm chuẩn 20 và 22 điểm. Đó là công nghệ sau thu hoạch 22 điểm và công nghệ kỹ thuật xây dựng 20 điểm. Hai ngành này tuyệt nhiên không có thí sinh nào trúng tuyển.
Đại diện ĐH Hùng Vương TP.HCM cho biết ngay khi lọc ảo, hai ngành này chỉ có 1, 2 thí sinh trúng tuyển. Với số lượng thí sinh trúng tuyển ít như vậy, trường không thể mở ngành nên quyết định nâng điểm để không có thí sinh nào trúng tuyển.
Trước đó, năm 2018, CĐ Sư phạm Gia Lai cũng phải chọn cách nâng điểm chuẩn cao lên để thí sinh không trúng tuyển. Nguyên do là lượng thí sinh đăng ký ít, không đủ để mở lớp nên đây là cách để đảm bảo quyền lợi thí sinh lẫn cả trường.
(Theo VTC News)