Vì sao nhà vệ sinh miễn phí trị giá 1,6 tỷ tại Bình Dương bị đập bỏ?
Nhà vệ sinh trị giá 1,6 tỷ đồng tại tỉnh Bình Dương sau 2 năm vận hành đã bị đập bỏ để xây nhà vệ sinh mới.
Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao trước thông tin nhà vệ sinh do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam xây tặng miễn phí trị giá 1,6 tỷ đồng trên phần đất của chùa Bà Bình Dương (hay còn gọi là Miếu bà Thiên Hậu, thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) bất ngờ bị đập bỏ sau gần 2 năm vận hành. Việc đập bỏ này khiến dư luận có nhiều ý kiến nghi hoặc.
Ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam cho biết, thực hiện Đề án xã hội hóa về xây dựng nhà vệ sinh không lấy ngân sách, không thu phí và góp phần nâng cao ý thức xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho mọi người, Hiệp hội xin thí điểm tại TP Thủ Dầu Một và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép xây dựng 3 nhà vệ sinh, sau đó mở rộng 300 nhà vệ sinh trên toàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, nhà vệ sinh đầu tiên được xây dựng tại chùa Bà Bình Dương.
Công trình nhà vệ sinh này được xây dựng theo giấy phép số 2400 ngày 9/7/2018 của UBND thành phố Thủ Dầu Một với tổng diện tích hơn 124m2, chiều cao 6,9m gồm tầng 1 và tầng lửng. Khi đi vào hoạt động từ ngày 13/2/2018, Hiệp hội bố trí thêm người dọn dẹp và người trực kỹ thuật.
Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, công trình bị thanh tra xây dựng của thành phố Thủ Dầu Một yêu cầu cắt bỏ tầng lửng, nơi nghỉ ngơi của nhân viên dọn dẹp vệ sinh và cán bộ kỹ thuật trực gác. Sau đó không lâu, công trình bị tháo dỡ hoàn toàn. Hiện nay, chùa Bà đã xin giấy phép xây dựng mới và đang xây dựng một nhà vệ sinh khác 2 tầng ngay trên vị trí nhà vệ sinh cũ.
Ông Lê Văn Hiệp cho rằng, việc đập bỏ mà chưa có ý kiến thông qua của Hiệp hội nhà vệ sinh là vi phạm pháp luật. Bởi trước đó, Ban trị sự chùa Bà Bình Dương và Hiệp hội có ký thỏa thuận là điều kiện để Hiệp hội xây dựng, vận hành và xin các giấy phép phù hợp.
Theo ông Hiệp, các thành viên của hiệp hội mong muốn có câu trả lời từ phía nhà chùa: “Mong muốn của tôi là trả lời chính xác từ chùa Bà. Chùa Bà là đơn vị xin phép và đất của chùa Bà và chùa Bà ký hợp đồng với bên đây thì chúng tôi căn cứ đó để chùa Bà có văn bản trả lời thỏa thuận hợp đồng, không được mong muốn như ban đầu, nguyên nhân tháo gỡ cắt bỏ tổn hao tài chính kinh tế thì phải có văn bản giải thích với Hiệp hội”.
Về phía chùa Bà Bình Dương, ông Trần Vĩnh An, Phó ban thường trực Ban trị sự chùa Bà cho biết, lí do tháo dỡ nhà vệ sinh mà Hiệp hội xây tặng là do thiết kế và trang thiết bị bên trong không phù hợp với nhu cầu thực tế và thường xuyên hư hỏng. Đại diện chùa Bà sẽ gặp gỡ thành viên Hiệp hội để giải quyết những vấn đề còn khúc mắc trong quá trình hợp tác. Trước thông tin trên, ông Hiệp cho rằng, chất lượng công trình là đảm bảo; hiệp hội cũng chưa nhận được một phản ánh nào từ phía chùa Bà về việc nhà vệ sinh hư hỏng.
Một vấn đề nữa, đó là thành phố Thủ Dầu Một không chấp thuận cho thí điểm xây dựng 3 công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc tế từ nguồn vốn xã hội hóa, cộng thêm việc công trình nhà vệ sinh ở chùa Bà bị tháo gỡ khiến có dư luận cho rằng Hiệp hội không làm “vừa lòng” một số cán bộ tại thành phố, cho nên họ đã gây sức ép để chùa Bà tháo dỡ công trình. Lý giải vấn đề trên, ông Nguyễn Lộc Hà, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một cho hay, chính quyền không thể can thiệp vào đất của chùa quản lý. Khi chùa xin giấy phép xây dựng mới thì chính quyền cấp chứ không có chuyện ép chùa đập cái đang có đi để xây mới.
Ông Lộc Hà nói: “Ở tỉnh cho chủ trương một số địa điểm xây dựng nhà vệ sinh, các doanh nghiệp khác đến tìm hiểu nhưng mà phương án triển khai thực hiện phải đảm bảo. Phương án đưa ra chưa thỏa mãn yêu cầu, phương án chưa hợp lí thì chưa trình được. Mong muốn của thành phố cố gắng có nhiều nhà vệ sinh công cộng”.
Tuy nhiên, dù lí do gì nhưng một công trình nhà vệ sinh miễn phí phục vụ cộng đồng và có trị giá tiền tỷ mà bị đập bỏ khi mới sử dụng 2 năm như vậy thì thật sự rất lãng phí. Trước sự việc trên, dư luận cho rằng, số tiền lớn đó nếu đầu tư nhiều công trình dân sinh khác sẽ hữu ích hơn và không thể để một sự việc gây lãng phí như vậy xảy ra mà không có ai phải chịu trách nhiệm. Bởi dù tiền xã hội hóa hay tiền nào khác cũng là tiền, không thể không thích thì đập bỏ và thích thì xây mới .
Thiên Lý/VOV